Xưa nay, rau lang là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình và được trồng nhiều ở các vùng quê. Rau lang còn được gọi với các tên phiên chử, cam thử... là bộ phận thân và lá của cây khoai lang, một loại cây thân thảo, củ của nó là loại củ quen thuộc với người dân Việt Nam.
Theo các nghiên cứu thì trong 100g rau lang có các chất dinh dưỡng như: Năng lượng: 22kcal; Nước: 91,8g; Protein: 2,6g; Tinh bột: 2,8g. Ngoài ra, rau lang còn chứa nhiều các chất dinh dưỡng như các loại vitamin B, C, E, beta caroten, biotin và các khoáng chất như magie, phospho, canxi, kali, mangan, kẽm, đồng…
Tác dụng của rau lang
- Giảm nguy cơ loãng xương: Đối với những người phụ nữ sau mãn kinh, do hàm lượng canxi trong xương mất cân bằng nên có thể gây ra các nguy cơ bị loãng xương. Việc bổ sung vitamin K có từ rau khoai lang sẽ giúp bạn cân bằng lại lượng canxi trong xương. Ngoài ra, khi kết hợp vitamin D với vitamin K thì nó có thể giúp người bị gãy xương sẽ mau hồi phục.
- Ngăn ngừa bệnh tim: Nhiều người lên các cơn đau tim là do quá trình vôi hoá trong mạch máu của họ bởi quá trình này gây ra tình trạng hình thành mảng bám trong mạch máu. Vitamin K được biết tới như là một nhân tố hạn chế quá trình này xảy ra rất tốt, và bạn hoàn toàn có thể nạp vào cơ thể thông qua việc tiêu thụ rau khoai lang.
- Hỗ trợ trong việc điều trị ung thư: Vitamin K được đánh giá là chúng có khả năng hạn chế các nguy cơ bị ung thư của cơ thể chúng ta. Ngoài ra, bởi đây là chất chống oxy hoá thế nên nó cũng hạn chế hình thành sự hư tổn của DNA, một nguyên nhân gây ra ung thư.
- Giàu chất chống ôxy hóa: Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K), các chất đặc tính chống ôxy hóa trong rau khoai lang là nhờ các dẫn xuất của axit caffeoylquinic, quercetin, anthocyanin… Nghiên cứu trên sử dụng 200g rau khoai lang tím cho vận động viên trong 1-2 tuần giúp giảm quá trình ôxy hóa lipid và DNA, tăng glutathione trong máu, cải thiện khả năng chống ôxy hóa trong huyết tương.
- Rau lang hỗ trợ cải thiện đường huyết ở người bệnh đái tháo đường: Đối với tình trạng đường huyết cao, các flavonoid trong lá khoai lang có thể thúc đẩy sự hấp thụ glucose ở mô ngoại vi và tăng cường bài tiết insulin, giảm tình trạng tự hủy của tế bào β tuyến tụy. Ngoài ra, quercetin kích hoạt tái tạo tế bào β trong tuyến tụy, gây tăng tiết insulin. Kết quả là, con đường tế bào liên quan đến bài tiết insulin sẽ được kích thích, làm giảm khả năng kháng insulin, giúp chống lại bệnh đái tháo đường.
- Phòng bệnh táo bón: Không chỉ có củ khoai lang mới có Công dụng chữa táo bón mà ăn rau khoai lang cũng có thể giúp chữa táo bón hiệu quả. Phần lá rau khoai lang có chứa nhiều chất xơ nên giúp nhuận tràng. Ngoài ra, chất nhựa từ lá khoai lang cũng có tác dụng nhuận tràng, ngăn ngừa chứng táo bón.
Những lưu ý khi ăn rau lang
- Không ăn rau lang khi đói
- Không nên ăn quá nhiều rau lang trong thời gian dài
- Nên ăn rau khoai lang xen kẽ với các loại rau khác. Tốt nhất là nên ăn kèm với những thực phẩm có chứa đạm động vật, thực vật để giúp cân bằng thành phần dưỡng chất.