Tin mới

Rộ mốt làm đẹp bằng phương pháp “phù thủy”

Thứ tư, 26/03/2014, 13:00 (GMT+7)

Gần đây, trong khi phẫu thuật thẩm mỹ can thiệp bằng dao\nkéo, gây ra nhiều lo ngại thì chị em lại rỉ tai nhau về một loại phẫu thuật làm\nđẹp bằng cách “bơm chất làm đầy”.

Gần đây, trong khi phẫu thuật thẩm mỹ can thiệp bằng dao kéo, gây ra nhiều lo ngại thì chị em lại rỉ tai nhau về một loại phẫu thuật làm đẹp bằng cách “bơm chất làm đầy”.

Tưởng rẻ hóa đắt

Với chi phí chỉ khoảng từ 10 - 20 triệu đồng (khoảng từ 500 – 1.000 USD) cho mỗi lần thực hiện bơm chất làm đầy, phương pháp làm đẹp này được cho là tương đối rẻ, nhưng thực chất, lại rất tốn kém. Theo BS Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật - tạo hình hàm mặt (BV Việt Nam- Cu Ba), chất làm đầy dễ đào thải qua đường nước tiểu, mồ hôi… nên thời gian làm đẹp chỉ được 6 tháng, lâu nhất là 18 tháng (tùy từng bộ phận cơ thể). “Đây là hạn chế của phương pháp làm đẹp này, bởi sau một vài tháng, các bộ phận được làm đầy lại trở về đúng hình thức vốn có. Nếu muốn duy trì kết quả làm đẹp với chất làm đầy lâu dài, cần lặp lại các mũi tiêm nhiều lần”.

Trước đây, để tạo khuôn mặt như ý, người làm đẹp buộc phải trải qua cuộc đại phẫu thuật cắt, gọt khá kỳ công thì hiện nay giới thẩm mỹ áp dụng điều trị bằng chất làm đầy, để thay đổi hình dáng cho những vùng bị lõm như mũi, má, cằm, mi mắt... Người có nhu cầu làm đẹp chiếc mũi tẹt thì có thể bơm chất làm đầy vào, gọi là hỗ trợ thêm, hoàn thiện và hợp lý hơn chứ không làm thay đổi cấu trúc của mũi. Hay gương mặt chữ V chẳng hạn, trước đây, phải phẫu thuật cắt, gọt khá kỳ công thì nay áp dụng phương pháp này để làm thon gọn khuôn mặt, góc hàm và tăng khả năng hấp dẫn của tổng thể khuôn mặt. Hyaluronic axít là một chất tự nhiên trong da giúp tăng dung tích cho da bằng hiện tượng hydrat hóa (tăng lượng nước cho da). Chất làm đầy da được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp axit hyaluronic tự nhiên trong cơ thể.

Rộ mốt làm đẹp bằng phương pháp “phù thủy”

Bơm chất làm đầy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến. (Ảnh minh họa)

Những nguy cơ tiềm ẩn

“Bất kỳ xâm lấn ngoại khoa nào cũng có những ảnh hưởng tới cơ thể người sử dụng” – BS Thái cho biết. Tại Việt Nam hiện nay, chỉ có một số chất làm đầy như Radiesse, Juverderm và Restylane… được chứng nhận chất lượng và cho phép lưu hành. Tuy nhiên vì lợi nhuận, một số cơ sở thẩm mỹ sử dụng những chất làm đầy không có chứng nhận chất lượng hoặc trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường, khiến tỷ lệ bị vón cục, bị sưng, đỏ và gây nguy hiểm cho người sử dụng. Cách đây chưa lâu, BS Thái phải giải quyết “hậu quả” cho một trường hợp bị biến chứng với các vết thâm tím ở vòng 1 sau khi tiêm chất làm đầy không đảm bảo chất lượng tại một cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội.

Khi bơm chất làm đầy còn gặp một số biến chứng gây ra phản ứng khá nghiêm trọng như: Liệt cơ mặt, tăng nếp nhăn nếu ngừng sử dụng, đẩy nhanh quá trình lão hóa da, gây biến chứng khi tiêm một lượng lớn để nâng ngực, độn mông, ngoài ra thuốc cũng gây sốc, cũng có thể gây tử vong. Bởi dù là một loại làm đẹp an toàn nhất vẫn có thể gây ra một số tai nạn không như ý muốn. Sử dụng chất làm đầy trên khuôn mặt có thể làm cho các búi cơ bị tê liệt, không còn linh hoạt trong việc thể hiện cảm xúc.

Vì thế, khuôn mặt trở nên đơ cứng, mất cảm xúc. Thậm chí, còn gây nên các biến chứng khiến khuôn mặt bị méo mó, biến dạng. Nó còn làm ngăn cản sự sinh sôi của các tế bào, gây mất chức năng sinh lý tự nhiên của cơ thể. Đặc biệt, các chất trong mỗi mũi tiêm còn có thể lây lan ra các vùng khác trên cơ thể, dẫn đến tình trạng giãn cơ, mất cơ, thậm chí làm gia tăng lượng mỡ để thay thế. Nếu quá lạm dụng phương pháp này, có thể bị teo cơ và lão hóa nhanh hơn.

Cảnh báo về tính nguy hại của phương pháp này, mới đây, ngày 11/3/2014, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ cũng đã đưa ra khuyến cáo, bơm chất làm căng da và xóa nếp nhăn vào vùng trán có thể gây tổn thương mắt. Đã có 3 trường hợp bị mù sau khi làm thủ thuật này. Tai biến xảy ra do chất làm căng da tràn vào mạch máu, gây tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho mắt. Vết bầm tím trên da có thể hết nhưng thị lực bị mất vĩnh viễn. Do đó, FDA chỉ ủng hộ việc sử dụng những chất làm đầy này ở phần giữa của mặt (mũi) hoặc xung quanh vùng miệng.

“Ngay với kỹ thuật thẩm mỹ được cho là an toàn nhất (sử dụng chất làm đầy) cũng yêu cầu khách hàng khám sàng lọc bởi không có chỉ định cho người mắc bệnh mãn tính, người có cơ địa dị ứng”, bác sĩ Thái cho biết. Vì thế, bác sĩ cần giải thích cho bệnh nhân về nguy cơ trước khi tiến hành thủ thuật.

Nguồn: Phụ nữ thủ đô

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: mốt