Giấy vụn, giấy thải, thậm chí cả giấy ăn đã qua sử dụng đều được tái chế thành các loại giấy ăn, giấy vệ sinh trắng bóc, thơm nức…
Làng Phong Khê và Phú Lâm được coi là hai làng tái chế giấy lớn nhất ở miền Bắc, với hơn 95% hộ dân trong làng tham gia sản xuất. Có khoảng 200 doanh nghiệp lớn nhỏ, cung cấp ra thị trường mỗi năm ước đạt 300.000 tấn giấy, từ giấy ăn, giấy vệ sinh từ hạng bình dân đến hạng sang.
Làng Phong Khê thuộc P.Phong Khê, TP.Bắc Ninh còn làng Phú Lâm thuộc xã Phú Lâm, H.Tiên Du, cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bước chân vào làng như một “bãi rác khổng lồ”, khắp các ngả đường luôn nồng nặc mùi tạp chất do các xưởng sản xuất giấy thải ra.
Con đường vào làng như một bãi rác khổng lồ. Ảnh: Tienphong
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trần Thị Loan (42 tuổi, ngụ tại thị trấn Chờ, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), chủ một cơ sở chuyên thu mua đồng nát cho biết, “Các anh đừng có tưởng giấy ở quán ăn, sau khi khách lau chùi, bám bẩn đen sì, ném dưới nền nhà là vứt đi đâu nhé. Chính loại giấy này dân Phong Khê và Phú Lâm mới kết, bởi vì bản thân chúng đã trắng sẵn rồi, quá trình tái chế đỡ tốn công, cũng như mất ít hóa chất hơn”.
Theo bà Loan, thường thì những quán nhậu, quán cơm bình dân, cửa hàng ăn... cho không cánh đồng nát số giấy đã lau chùi. Tuy nhiên, sau khi thu gom, chúng sẽ được đem bán lại cho cơ sở của bà Loan với giá từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe thồ, xe ba gác chở giấy thải đổ hàng cho cơ sở bà Loan, trước khi chúng được gom thành kiện đưa tới các lò tái chế ở Phong Khê và Phú Lâm.
Giấy thành phẩm được đóng gói trước khi ra thị trường.
Ông N., chủ một doanh nghiệp tái chế giấy lớn nhất nhì làng Phú Lâm, cũng thừa nhận giấy ăn “made in Phú Lâm” đều được tái chế từ nguồn giấy phế phẩm. Điều này khác hoàn toàn so với loại giấy ăn sử dụng nguyên liệu từ các nguồn gỗ, tre, trúc. Không chỉ lò của gia đình ông N., mà nhiều lò khác ở Phú Lâm, quá trình tái chế giấy ăn cũng bỏ qua các bước nhằm tách tạp chất, bụi bẩn, khử hóa chất.
Theo các chủ cơ sở, thực tế này bắt nguồn từ việc thiếu máy móc và để giảm chi phí trong sản xuất. Chính vì vậy, lò chứa bột giấy thải bao giờ cũng lẫn rất nhiều mực in, phẩm màu, tạp chất. Tuy nhiên, dù bột giấy có đen, hoặc phẩm màu đỏ quạch như cua gạch, tạp chất nhiều như mạt cưa… khi hòa thứ hóa chất hỗn hợp gồm xút, javen, bột giấy thải loại bỗng trắng phau. Và giấy ăn ra đời từ đây.
Quy trình sản xuất giấy cho phép việc sử dụng xút và javen. Tuy nhiên, nếu sản xuất từ nguyên liệu sạch như tre, nứa, gỗ và bột bã mía thì chỉ cần sử dụng một lượng rất nhỏ hóa chất javen và xút là ổn. Trong khi đó, ở Phong Khê và Phú Lâm, loại hóa chất này đã bị các cơ sở tái chế giấy lạm dụng quá mức. Chủ một lò tên Hoa ở Phong Khê phân tích: “Bình thường 1 tấn giấy phế phẩm trắng cũng phải mất 9 kg hóa chất xút và 35 lít javen. Còn giấy viết, sách, giấy photo tài liệu... phải tốn 10 kg xút và 40 lít javen. Ở đây chẳng ai là không biết xút và javen độc hại với sức khỏe con người. Nhưng đã tái chế giấy thải thì bắt buộc phải dùng, giấy càng đen, càng bẩn, lượng xút và javen càng nhiều”.
Những hình ảnh chụp xưởng sản xuất giấy cho thấy, khu xưởng bao bọc bởi những đống giấy phế thải cao ngất, không gian đặc quánh 1 thứ mùi chua nồng khó chịu, ầm ầm tiếng máy xay, ép giấy, hơi nước bốc mù mịt. Bên cạnh là những thành phẩm giấy ăn, giấy vệ sinh thơm nức được xếp ngay ngắn. Khoảng cách giữa chúng chỉ là một dây chuyền chế biến giấy đơn giản và tiềm ẩn sự ô nhiễm nghiêm trọng.
Xút và javen được sử dụng để tẩy trắng giấy thải. Ảnh: Tienphong
Khâu đầu tiên – nghiền giấy là khâu quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Nguyên liệu đưa vào sản xuất là những đống “rác phế liệu” giấy, những cuộn giấy vệ sinh bỏ đi, sách báo lem nhem được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí được thu gom từ những bãi rác thải.
Bột giấy thải được ngâm trong bể chứa hóa chất xút và javen
Công nhân chân đất giẫm đạp lên đống giấy nguyên liệu nhàu nát. Những bể ngâm giấy mủn rò rỉ thứ nước thải nhớp nháp trên nền đất. Máy xay nguyên liệu rỉ sắt đóng cục nổi lên thành từng mảng. Hệ thống nước thải chưa kịp hoàn thiện nước đặc khịt, rác nổi lềnh phềnh.
Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Huy Thịnh, công tác tại Viện Công Nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cảnh báo: Việc lạm dụng xút và javen nhằm tẩy trắng giấy phế phẩm sẽ sinh ra hóa chất tồn dư độc hại. “Lượng hóa chất tồn dư độc hại này còn được xả thẳng ra môi trường, khiến nguồn nước ngầm bị nhiễm độc. Nguồn nước này lại tiếp tục được sử dụng trong quá trình tái chế giấy, khiến trong giấy ăn, giấy vệ sinh lẫn thêm nhiều chất độc hại. Khi con người tiếp xúc với loại giấy ăn nhiễm độc này thì vi khuẩn, tạp chất, hóa chất độc hại theo vòng tuần hoàn đi vào cơ thể người và gây ra các triệu chứng thường gặp là đỏ mắt, chảy nước và ngứa trên da. Còn khi tiếp xúc lâu thì có thể mắc các loại bệnh về hệ hô hấp, bệnh về da và mắt”, TS Thịnh nói.
Theo Bảo An/Người đưa tin