Việc đốt vàng mã trong những ngày lễ lớn đã trở thành một thói quen của người Việt Nam. Đốt vàng mã một cách văn minh, thể hiện lòng biết ơn những người thân đã khuất, hay tưởng nhớ công đức các vị có công là một phong tục truyền thống tốt đẹp.
Việc đốt vàng mã dần thân thuộc đến mức ngay chính giữa Thủ đô, có hẳn một con phố - phố Hàng Mã - chuyên kinh doanh đồ dùng phục vụ cõi âm, quanh năm bày bán những sản phẩm hàng mã nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, được ví là "tổng kho" hàng mã cho người cõi âm. Trước đây chỉ toàn làm thủ công, đóng từng cọc tiền vàng; người, ngựa giấy,... dán khung thì nay, đồ vàng mã đa dạng, thủ thứ: nhà cửa, ô tô, trang sức,.. thậm chí là cả set buffet lẩu.
Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh của loạt đồ vàng mã khiến nhiều người ngạc nhiên. Cụ thể, những đồ vàng mã này gồm nguyên set lẩu không thiếu thứ gì để hóa vàng cho người cõi âm..
Set lẩu vàng mã này được lấy cảm hứng từ set buffet có thật của một nhà hàng nổi tiếng, con cháu mong muốn đổi thay, mới mẻ để gửi cho người nhà đã khuất. Việc bất ngờ xuất hiện set buffet vàng mã đã gây ra ý kiến trái chiều vì việc thờ cúng có phần lạ lùng.
Ngay sau khi những hình ảnh này được chia sẻ, nhiều người cho rằng việc muốn thờ cúng “trần sao âm vậy” chẳng có gì sai, suy cho cùng cũng chỉ là con cháu muốn gửi món ăn ngon cho các cụ. Tuy nhiên, nhiều người cũng phản đối gay gắt, cho rằng việc tiêu thụ vàng mã đang bị lạm dụng, biến tướng, chiêu trò.
Việc đốt vàng mã không cần thiết đã từng được đề cập, tuyên truyền là không cần thiết, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường,.. cũng không ít vụ việc đốt vàng mã thừa thãi dẫn đến hậu quả không hay. Theo báo Nhân dân, việc đốt vàng mã gây lãng phí về mặt kinh tế, trung bình mỗi năm người dân đốt khoảng 50 nghìn tấn vàng mã, riêng tại Hà Nội tiêu tốn khoảng 400 tỷ đồng/năm cho việc đốt vàng mã. Kéo theo đó là vô số nguy cơ khác như ô nhiễm môi trường, cháy nổ, mất trật tự xã hội,...
Vậy nhưng thực tế là đến nay, nhiều người vẫn cho rằng cúng càng nhiều vàng mã thì càng được lộc, vô hình tạo ra một cuộc tranh đua trong xã hội.
Đây cũng không phải lần đầu người ta bắt gặp tập tục đốt vàng mã được đổi thay mới mẻ bởi trước đó, rất nhiều bộ vàng mã lạ lùng như vịt quay, bộ nail,.. Năm nay, dưới tình hình của dịch Covid-19, thậm chí còn xuất hiện cả mặt nạ bằng giấy cho người âm phòng dịch vì cho rằng “trần sao âm vậy”.
Trước đó, một cô gái có tên là T.H. đã phải thốt lên ngỡ ngàng khi cùng mẹ bước vào cửa hàng vàng mã để chuẩn bị đốt cho người âm nhân dịp Rằm tháng bảy. Cô gái kể lại rằng "cảm xúc lúc đó của mình như bước vào siêu thị thì đúng hơn. Bởi mẫu mã các mặt hàng vàng mã này quá đa dạng, phong phú".
"Chuyện là tôi đi mua hàng mã với mẹ mà cứ ngỡ lạc vào cái Vincom nào đó. Còn nhiều món lạ mắt, đẹp độc đáo lắm: ô tô, nón mũ, đèn pin, vải áo hoa, dép, khăn đội, nón quai thao, nón tầng...", T.H chia sẻ.
Từ những túi xách có logo thương hiệu đình đám, những vòng kiềng, lắc vàng óng ánh, áo dài đính cườm thướt tha, máy sấy tóc... đến cả bộ dàn âm thanh, điện thoại iPhone, bộ chăm sóc - dưỡng thể cho da, tóc của cả nam và nữ. Thậm chí có vịt quay, lẩu thập cẩm, bia, các loại thực phẩm chức năng... đều có vàng mã.
Thực tế cho thấy, trong khi việc nhiều mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt của người dân đang bị cắt giảm do kinh tế khó khăn thì thị trường vàng mã lại rất phát triển mà mục đích cuối cùng làm ra chỉ để… "đốt".
Đốt vàng mã một cách văn minh, thể hiện lòng biết ơn những người thân đã khuất, hay tưởng nhớ công đức các vị có công với làng, nước là một phong tục truyền thống tốt đẹp. Nhưng nếu đốt vàng mã không xuất phát từ chữ tâm, chỉ mù quáng cho rằng đốt thật nhiều vàng mã mới được tài lộc thì hạnh động tưởng nhớ này sẽ biến tướng thành hủ tục, làm xói mòn những giá trị văn hóa tâm linh.