Theo chuyên gia David Rothery của Đại học Mở tại Anh, trận sóng thần mới nhất tại Indonesia dường như là kết quả của một sự sụt lún ngầm trong lòng biển của một phần núi lửa Anak Krakatoa (tạm dịch là Con của Krakatoa).
Người dân thu dọn lại đống đổ nát sau thảm họa. |
Tờ The Guardian (Anh) đưa tin, ít nhất 280 người chết và hơn 1000 người bị thương, hàng chục người mất tích cùng hơn 11.000 người phải di tản sau vụ sóng thần khổng lồ bất ngờ tấn công vào eo biển Sunda của Indonesia lúc 21:30 giờ địa phương ngày thứ Bảy, 22/12.
Các thi thể được gói bằng túi nilong đợi người nhà đến nhận. Ảnh: AP |
Theo thống kê của CNN, ít nhất 558 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Trong khi đó, 9 khách sạn, 60 nhà hàng và 350 tàu thuyền bị con sóng dữ tàn phá nặng nề. Con số thương vong ngày càng tăng.
BBC dẫn lời các nhà địa chất học thế giới cho hay, lở đất dưới đáy biển là nguyên nhân gây ra trận sóng thần hủy diệt này. Nguyên nhân lở đất được cho là đến từ những hoạt động không ngừng của ngọn núi lửa đảo Anak Krakatau (hay Anak Krakatoa).
Núi lửa Anak Krakatau phun cột khói cao hàng chục nghìn mét lên không trung. Ảnh: Reuters |
Ngày 23/12, một ngày sau thảm họa sóng thần thương tâm ở Indonesia, thông qua dữ liệu vệ tinh và cảnh quay trực thăng, các nhà khoa học xác nhận nguyên nhân dẫn đến sóng thần ở Indonesia là do quá trình phun trào, khu vực phía tây nam của núi lửa đảo Anak Krakatau bị sụp đổ, vật chất đất đá nóng sụp xuống biển khiến nước dâng cao gây sóng thần bất ngờ.
Ít ai biết rằng, núi lửa Anak Krakatau chính là "hậu duệ" của thảm họa núi lửa khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử loài người, mang tên: Núi lửa Krakatau.
Cách đây 135 năm, vào tháng 8/1883, "quái vật cha" Krakatau (hay Krakatoa) phun trào, và gây ra vụ nổ có âm thanh được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nhân loại (mạnh tới 200 deciben (dB) trong bán kính 20km). Mức volume này có thể hủy diệt thính giác của nhiều người gần tâm nổ ngay lập tức.
Sau vụ nổ, hàng triệu tấn nham thạch đổ xuống biển đã gây nên những cơn sóng thần khiến cho hàng nghìn người thiệt mạng.
Sức công phá khủng khiếp của nó tương đương với 200 triệu tấn thuốc nổ TNT, gấp 13.000 lần sức hủy diệt của quả bom nguyên tử mà Mỹ từng thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Ít nhất 36.000 người thiệt mạng sau thảm kịch khủng khiếp này, 165 thành phố và thị trấn gần đó bị phá hủy hoàn toàn, 132 ngôi làng bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng chục nghìn người chết do bị biển dung nham nóng nhấm chìm.
Dư chấn của vụ nổ đã tạo nên cơn sóng thần cao gần 30m đổ về 2 hòn đảo Java và Sumatra, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người.
Năm 1927, phún thạch của núi lửa đã cho ra đời một hòn đảo mới có tên Anak Krakatau (còn gọi là "Đứa con của Krakatau"). Hòn đảo này có bán kính gần 2 km và cao hơn 200 m so với mực nước biển.
Hiện tại, "đứa con của Krakatau" đang trong giai đoạn "thức giấc" và có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm trong lòng biển.
BMKG cho biết việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.
Không giống như những vụ sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh bảo, vụ sóng thần lần này xảy ra sau vụ phun trào núi lửa nên cơ quan chức năng có rất ít thời gian để kịp kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm.
Indonesia hiện có 127 núi lửa hoạt động và nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào.
Thời điểm xuất hiện sóng thần lần này, đúng dịp lễ Giáng sinh, gợi nhớ lại trận sóng thần trên Ấn Độ Dương vào ngày 26/12/2004 mà nguyên nhân là động đất, giết chết 226.000 người tại 13 quốc gia, trong đó có hơn 120.000 người Indonesia.
Ở thời điểm hiện tại, giới chức vẫn cảnh báo dân địa phương và du khách tránh xa các bãi biển xung quanh eo biển Sunda và cảnh báo thủy triều cao sẽ được duy trì cho đến ngày 25/12.
Đức Hoà (tổng hợp)