Trận thua với tỷ số của một set tennis trước U19 Hàn Quốc cho thấy thực lực của U19 Việt Nam vẫn còn kém xa các nền bóng đá hàng đầu châu lục.
Bị “người lớn” đẩy lên mây
U19 Việt Nam mới trình làng được hơn 1 năm nay và chưa đạt bất cứ một danh hiệu nào nhưng VFF đã có kế hoạch đưa đội đi đá SEA Games 2015 và xa hơn là vòng loại World Cup 2018. Một vài chiến thắng trước U19 Myanmar, Thái Lan rồi Australia đã khiến họ quá hưng phấn để rồi vẽ những cái đích quá xa xôi cho các cầu thủ trẻ.
Ngay trong cuộc họp báo trước giải đấu, HLV Guillaume Graechen đã khẳng định mục tiêu của U19 Việt Nam là phấn đấu giành vé dự giải U20 thế giới. Việc đặt mục tiêu cụ thể để phấn đấu là cần thiết để tăng hưng phấn khi thi đấu nhưng trong trường hợp này nó chẳng khác gì việc U19 Việt Nam đặt mình ở vị thế quá cao so với thực lực.
U19 Việt Nam thua kém toàn diện trước U19 Hàn Quốc qua đó cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam còn 1 khoảng cách rất lớn với những nền bóng đá hàng đầu châu lục.
Trong lịch sử giải U19 châu Á (không tính lần đoạt HCĐ năm 1964) thì U19 Việt Nam mới chỉ 2 lần vượt qua vòng loại (2010, 2012). Trong 6 trận đấu tại 2 VCK 2010, 2012 đội chỉ giành được chỉ duy nhất 1 trận thắng và đều bị loại sớm, trong đó có những trận thua rất đậm trước Triều Tiên hay UAE.
Về thành tích, U19 Việt Nam đơn giản chẳng có gì để so sánh với 15 đội còn lại. U19 Hàn Quốc đã 12 lần vô địch, U19 Nhật Bản cũng 6 lần giành ngôi á quân, U19 Trung Quốc lên ngôi 1 lần vào năm 1985. Ngay cả U19 Myanmar và Thái Lan - 2 bại tướng của U19 Việt Nam cũng có bề dày thành tích tại đấu trường này. Myanmar sở hữu 7 lần vô địch , chỉ xếp sau Hàn Quốc trong bảng thành tích, còn Thái Lan cũng 2 lần lên ngôi vào các năm 1962, 1969.
Một học viện không thể chống lại một nền bóng đá
13/23 cầu thủ U19 Việt Nam tại giải năm nay là của học viện HAGL-Arsenal JMG và chiếm đến 7/11 suất đá chính ở trận gặp U19 Hàn Quốc vào hôm qua. Nói không ngoa, U19 Việt Nam là đội bóng của 1 học viện và khi đọ với cả 1 nền bóng đá, thua thiệt là không bất ngờ.
U19 Hàn Quốc có 13/23 đến từ các trường đại học, số còn lại là những cầu thủ đang chơi tại K.League, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ. U19 Nhật Bản gom cầu thủ từ hơn 10 CLB khác nhau trên khắp đất nước. U19 Trung Quốc ngoài những cầu thủ đang thi đấu tại giải VĐQG ra còn có các ngôi sao trẻ đang chính chiến tại Pháp, Bồ Đào Nha và Brazil.
Lứa cầu thủ mà bầu Đức cất công đào tạo tài năng nhưng cần thêm thời gian để trưởng thành.
Tuổi đời ngang bằng nhưng kinh nghiệm là thứ U19 Việt Nam không thể so sánh với các đội còn lại. Minh Vương là cầu thủ duy nhất có kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp trong thành phần U19 Việt Nam nhưng không được sử dụng.
Thất bại của U19 Việt Nam hôm qua để lại nhiều điều đáng suy ngẫm. U19 Việt Nam như “thỏi nam châm” hút hết sự chú ý của dư luận lẫn VFF. Một nền bóng đá bấu víu vào một đội tuyển trẻ là thất bại. Đã đến lúc trả U19 Việt Nam về với đúng thực lực của họ. Trách nhiệm này thuộc về những ai đã đặt lên vai các cầu thủ những nhiệm vụ chất chồng ở tương lai.