Tin mới

Sự thật về xác ướp 4.000 năm trông như người Tây được tìm thấy ở Trung Quốc

Thứ tư, 04/05/2022, 11:35 (GMT+7)

Nhờ tiến bộ của khoa học, các nhà nghiên cứu đã xác định được nguồn gốc của những xác ướp có niên đại 4.000 năm này.

Các nhà nghiên cứu cho biết những xác ướp thời kỳ đồ đồng được bảo quản rất tốt. Chúng được phát hiện ở sa mạc Taklamakan của Trung Quốc cách đây nhiều thập kỷ và không phải của du khách phương Tây như nhiều giả thuyết trước đó được đưa ra. Theo nghiên cứu mới nhất, những xác ướp này của một nhóm dân bản địa, có nguồn gốc châu Á thời kỳ Băng hà cổ đại.

Vào những năm 1990, khoảng 300 xác ướp có niên đại từ 2.000 năm TCN đến 200 năm SCN được phát hiện trong các ngôi mộ ở lưu vực Tarim thuộc khu vực tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Bầu không khí khô hạn và mùa đông băng giá của khu vực đã bảo tồn các di tích. Đáng chú ý nhất chính là xác ướp "người đẹp Tiểu Hà" gần như còn nguyên vẹn các đặc điểm khuôn mặt, quần áo, tóc, thậm chí cả lông mi.

Xác ướp Tiểu Hà được tìm thấy tại Tân Cương, Trung Quốc.
Xác ướp Tiểu Hà được tìm thấy tại Tân Cương, Trung Quốc.

Do có nhiều đặc điểm giống người phương Tây (tóc đỏ và nâu nhạt) khiến những xác ướp này ban đầu bị nhầm là người di cư từ Biển Đen, miền nam nước Nga tới đây. Giả thuyết ấy được củng cố bởi họ được chôn trong những quan tài thuyền giữa một sa mạc cằn cỗi.

Nhưng để xác định rõ ràng hơn về nguồn gốc các xác ướp, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phân tích dữ liệu bộ gene từ 13 trong số những xác ướp lâu đời nhất, có niên đại từ năm 2100-1700 TCN. Họ đã so sánh với các mẫu DNA của 5 cá nhân sống trong lòng chảo Dzungarian khoảng 5.000 năm trước.

Sự thật về xác ướp 4.000 năm trông như người Tây được tìm thấy ở Trung Quốc - Ảnh 1

Các nhà khoa học phát hiện ra những xác ướp ở lưu vực Tarim hoàn toàn không phải người nước ngoài mà là hậu duệ trực tiếp của những người Âu - Á Cổ đại (ANE). Nhóm người này đã biến mất phần lớn vào cuối kỷ Băng hà cuối cùng (khoảng 11.550 năm trước).

Chỉ có dấu vết di truyền ANE là vẫn tồn tại trong Holocene, kỷ nguyên địa chất hiện tại của chúng ta. Người Mỹ bản địa và người Siberia bản địa là giữ lại tỷ lệ ANE cao nhất, khoảng 40%.

Sự thật về xác ướp 4.000 năm trông như người Tây được tìm thấy ở Trung Quốc - Ảnh 2

Người dân tại lưu vực Tarim bị cô lập về mặt di truyền nhưng "có tính quốc tế về văn hóa". Các nhà nghiên cứu cho biết họ cởi mở đón nhận những ý tưởng và Công nghệ mới từ những người hàng xóm, đồng thời phát triển các yếu tố văn hóa độc đáo mà không giống nhóm người nào khác.

Những người này mặc quần áo bằng vải nỉ và len dệt, sử dụng các loại Cây thuốc như ma hoàng từ Trung Á, ăn pho mát kefir có nguồn gốc từ bắc Caucasus.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc phát hiện ra nguồn gốc của các xác ướp tại lưu vực Tarim đã "thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về khu vực này". Việc phân tích được bộ gene người cổ đại từ các thời đại khác nhau sẽ giúp các nhà khoa học "hiểu sâu hơn về lịch sử di cư của loài người ở thảo nguyên Á - Âu".

(Theo Dailymail)

>> Xem thêm: Vén màn bí ẩn về loạt xác ướp linh thiêng là vật bảo bối của các vị thần Ai Cập

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news