Với hành vi bất chấp tín hiệu cảnh báo nguy hiểm vượt qua đường ray để xảy ra vụ tai nạn khiến lái tàu tử vong thì lái xe tải có bị xử lý về tội Giết người?
Như tin tức đã đưa, vào khoảng 22h30 ngày 10/3, tại Km 639 – 750, thuộc cung đường Diên Sanh, thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã xảy ra một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, một xe ôtô chở đất kéo rơ móc BKS: 75R – 001.85 băng qua đường ngang dân sinh đã va vào tàu hỏa mang số hiệu SE5 chạy hướng Hà Nội –TP HCM.
Cú va chạm mạnh đã làm đầu máy số D19E - 968 của tàu hỏa bị bung, gãy đầu đấm, đầu máy trôi về phía Nam cách vụ tai nạn 2km. 3 toa tàu bị trật khỏi đường ray, hư hỏng nặng. Vụ tai nạn khiến lái tàu tử vong trong cabin, nhiều hành khách hoảng loạn chờ giải cứu.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, có nhiều ý kiến tỏ ra khá bức xúc bởi tai nạn trên phần lớn xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, cụ thể ở đây là lái xe tải - bất chấp tín hiệu cảnh báo nguy hiểm để vượt qua đường ray.
Sau khi vụ tai nạn trên xảy ra, có ý kiến cho rằng cần phải coi lái xe tải là kẻ giết người có chủ đích, thậm chí cần phải coi là kẻ "sát nhân hàng loạt".
Tuy nhiên, với hành vi trên của lái xe tải đã đủ để cấu thành tội Giết người hay chưa? Trước những băn khoăn này, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Thị Hồng Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM để làm sáng tỏ vấn đề.
Vụ tai nạn tàu hỏa trên đã cướp đi sinh mạng của lái tàu, 3 người khác bị thương.
Thưa luật sư, với hành vi trên của lái xe tải trong vụ việc này thì lái xe sẽ bị xử lý hình sự như thế nào?
Với hành vi trên của tài xế xe tải đã đủ cơ sở cấu thành “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” (điều 202 Bộ luật Hình sự hiện hành). Vụ tai nạn làm chết 1 lái tàu và 2 hành khách bị thương.
Như vậy cần căn cứ vào kết quả giám định tỷ lệ thương tật của hai hành khách trên để xác định tình tiết định khung hình phạt theo quy định tại điều 2 Thông tư liên tịch Số: 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông. Theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự thì mức án cao nhất mà tài xế xe tải có thể bị áp dụng là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Có ý kiến cho rằng lỗi là do sự chủ quan, coi thường tính mạng của lái xe tải gây ra. Bởi vậy, cần coi lái xe là kẻ giết người có chủ đích và xử lý về tội giết người mà tình tiết tăng nặng là giết người hàng loạt. Bà có đồng ý với ý kiến trên không?
Hành vi gây tai nạn của tài xế xe tải thể hiện sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, cần được lên án và xử lý nghiêm để phòng ngừa chung cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, nếu truy tố tài xế này về tội Giết người” với tình tiết tăng nặng là giết người hàng loạt theo tôi là chưa hợp lý vì theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Tội giết người phải xuất phát từ lỗi cố ý, nhưng trong trường hợp này hành vi của tài xế xe tải xuất phát từ sự chủ quan, cho rằng mình đủ khả năng và thời gian để vượt qua nguy hiểm.
Đây chỉ là trường hợp phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin: người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.
Hiện nay, những vụ tai nạn đường sắt xảy ra tương đối nhiều và đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, theo bà, trách nhiệm trong những vụ việc trên thuộc về ai? Cần có biện pháp cụ thể gì để hạn chế tình trạng trên, tránh để xảy ra những tai nạn đường sắt thảm khốc trên?
Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải khá nhiều trường hợp tai nạn đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang), nhất là đường ngang dân sinh.
Nguyên nhân gây tai nạn phần lớn do người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt.
Ngoài ý thức tham gia giao thông của một số người quá kém, còn có trách nhiệm của cơ quan chức năng như Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt và các địa phương có đường sắt đi qua, đặc biệt là cơ quan chủ quản: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong công tác kiểm tra, pháp hiện và xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt chưa kiên quyết.
Để hạn chế tình trạng các vụ tai nạn giao thông đường sắt ngày càng gia tăng về số lượng lẫn mức độ nguy hiểm, theo tôi trước hết đẩy mạnh các công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt và cảnh báo các nguy cơ, hậu quả Tai nạn giao thông tại các đường ngang đường sắt trên phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng quản lý đường sắt cần tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm an toàn giao thông đường sắt, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; bố trí cảnh giới tại các đường ngang có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn; hướng dẫn quy tắc an toàn giao thông đường bộ khi vượt đường sắt cho người tham gia giao thông.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần rà soát các vị trí đường ngang không người gác (đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang biển báo) để cắm biển báo hiệu phù hợp, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Dương Dung/ Đời sống & Pháp luật