Vào tháng 3/1974, đội binh mã bằng đất nung của Tần Thủy Hoàng được khám phá lại ở huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Với quy mô và tạo hình sinh động, đoàn binh mã được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới.
Những năm gần đây, một số chuyên gia khảo cổ học đã đặt ra câu hỏi: Tại sao không một người lính nào trong đội binh mã này đội mũ sắt? Lý do gì khiến những người lính và chỉ huy ở tuyến đầu chiến trường không có mũ giáp bảo vệ? Nhà Tần đã thống nhất 6 nước, tại sao lại không trang bị hộ giáp cho binh lính?
Một số binh sĩ trong đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng đội một loại mũ tròn nhỏ. Theo nhận định của nhân viên khảo cổ, đó là loại khăn đầu làm từ vải gai. Những người được cho là tướng lĩnh thì đội mũ làm từ da bò. Nhiều người khác chỉ cuộn tóc thành búi trên đầu. Nhưng dù là lính hay sĩ quan, quân đội nhà Tần đều không đội mũ giáp sắt. Nguyên nhân thật sự là gì? Liệu có phải do kinh phí eo hẹp hay có một bí mật khác không ai biết?
Thực ra, lý do chính là nước Tần là một dân tộc thượng võ. 'Sử Ký' của Tư Mã Thiên viết: "Tần, đới giáp bách vạn". Nó có nghĩa là có cả triệu quân nhân mặc áo giáp, nhưng là chỉ áo giáp cơ thể, không bao gồm mũ sắt. Những loại quân khác nhau mặc áo giáp khác nhau, về cơ bản những chiếc áo giáp này làm từ da. Rất đơn giản, tất cả những điều này nhằm thể hiện tinh thần thượng võ, yêu thích sức mạnh của họ. Tinh thần này có thể được cảm nhận từ các tác phẩm khác cùng thời kỳ.
Hàn Phi Tử là một nhà tư tưởng lớn vào thời Chiến Quốc. Ông đã ghi lại cảm nhận lần đầu tiên tiếp xúc với người Tần trong các tác phẩm của mình. Theo đó, người Tần khi nghe nói sẽ có chiến tranh thì giậm chân, cởi trần, không thể đợi được, hoàn toàn không quan tâm đến sống chết.
Một nhà thuyết khách nổi tiếng vào thời đó mô tả quân Tần trên chiến trường như sau: Họ cởi trần, dũng mãnh xông lên, quân đội của 6 nước khác so với quân Tần như trứng chọi đá. Họ cầm đầu người bằng tay trái, kẹp tù binh dưới cánh tay phải, đuổi giết kẻ thù của mình... Không chỉ vậy, 'Sử Ký' của Tư Mã Thiên còn ghi lại: "Quân đội Tần trên chiến trường thậm chí cởi trần, cởi bỏ chiếc áo giáp duy nhất của họ".
Động lực chính để binh sĩ nước Tần dũng cảm chiến đấu trên chiến trường là họ có thể được phong tước. Vì sao lại tôn vinh sức mạnh mà không đội mũ giáp để bảo vệ bản thân tốt hơn? Việc không đội mũ nhằm thể hiện tinh thần dũng cảm trên chiến trường, có thể áp đảo kẻ địch.
Luật lệ trong quân đội nhà Tần rất nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng, cấm đối đầu riêng tư. Binh sĩ trên chiến trường dũng cảm chiến đấu, chém đầu kẻ địch sẽ được phong tước, cấp đất, nhà và người hầu. Diệt được càng nhiều địch thì cấp bậc nhận được càng cao. Có thể nói, cuộc sống của một binh sĩ liên quan chặt chẽ đến công trạng trên sa trường.
Nếu một binh sĩ diệt được 2 kẻ địch, cha mẹ đang bị giam của anh ta có thể được tự do ngay lập tức. Nếu vợ anh ta là nô lệ cũng sẽ trở thành dân thường. Nếu người cha hi sinh trên chiến trường, công lao của anh ta sẽ được tính cho con trai. Nhìn chung, một người có công trạng quân sự, cả nhà được thơm lây.
Phong tước và thăng quan, đây chính là động lực chính khiến binh sĩ nước Tần có thể dũng cảm chiến đấu trên chiến trường. Theo các sử sách ghi chép, cho đến khi Tần thống nhất 6 nước, có khoảng 1,6 triệu quân địch đã bị tiêu diệt. Điều này chứng tỏ sự dũng cảm của binh sĩ nhà Tần.