Càn Long là Hoàng đế thứ sáu của Nhà Thanh. Ông cũng là hoàng đế ó tuổi thọ cao nhất trong lịch sử Trung Quốc (88 tuổi), thời kỳ trị vì của Càn Long kéo dài gần 60 năm. Vào thời Càn Long, kinh tế cũng như quân sự của nhà Thanh bước vào giai đoạn cực thịnh.
Ông cũng là bậc đế vương được người đời ca tụng nhiều nhất về khả năng cai trị của mình. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối đời, ông trở nên tự mãn và tiêu xài hoang phí, khiến ngân khố bắt đầu thiếu hụt. Ông cũng dung túng cho lộng thần tham nhũng là Hòa Thân, khiến đội ngũ quan lại nhà Thanh dần bị tha hoá.
Càn Long cũng là vị hoàng đế thích đi vi hành trong nhân gian để tìm hiểu cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, Càn Long cũng sẵn sàng ra tay sai người xử tử những kẻ tiết lộ bí mật của bản thân hay hoàng thân quốc thích. Đơn cử như Càn Long từng hạ lệnh giết người nông dân trồng dưa hấu sau khi thấy người này nói chuyện hiểu biết và vời ra làm quan nhưng bị từ chối. Với suy nghĩ của Càn Long, nếu người tài năng không muốn cống hiến cho triều đình thì quá nguy hiểm nên cần loại bỏ. Tuy nhiên, khi quân lính quay lại thì người nông dân trồng dưa đã đi mất hút từ khi nào nên may mắn sống sót.
Tuy nhiên, một thầy tướng số khác lại không may mắn như vậy.
Vào thời Càn Long, một thầy tướng số tên Trí Thiên Bảo đã phạm sai lầm khi tâng bốc bậc đế và tiên đoán rằng vận mệnh của nhà Thanh sẽ kéo dài 800 năm. Trí Thiên Bảo muốn lợi dụng điều này để làm giàu nhưng thay vào đó ông lại bị giết.
Theo Sohu.com, Trí Thiên Bảo vốn sống ở huyện Cao Ấp, từng mở một tiệm thuốc ở Kỳ Châu sau đó kiếm sống bằng nghề bán thạch cao ở chợ và nhận một người đệ tử tên Trương Cửu Tiêu. Tuy nhiên, công việc kinh doanh ế ẩm, việc kiếm sống ngày càng khó khăn hơn. Để kiếm tiền, Trí Thiên Bảo bất chợt nảy ra ý định biên soạn một cuốn sách tặng cho hoàng đế với mong muốn giàu nhanh.
Vì Trí Thiên Bảo biết Càn Long muốn sống trường thọ như bao bậc đế vương khác nên liền viết một cuốn sách có tên "Những vận may của nhà Thanh" (Đại Thanh thiên định vận sổ). Trong sách, ông tự tin dự đoán rằng tuổi thọ của Hoàng đế Càn Long có thể đạt tới 80 tuổi. Vào thời điểm đó, Càn Long đã bước sang tuổi 68. Như vậy, theo tiên đoán của Trí Thiên Bảo, Càn Long còn sống được 12 năm.
Ngoài ra, Trí Thiên Bảo còn nhận định vận mệnh quốc gia của nhà Thanh kéo dài 800 năm. Vốn rất tự tin vào tài viết lách của mình, ông hy vọng rằng với cuốn sách này, bản thân sẽ giành được sự sủng ái của Càn Long và hưởng được vô số vinh quang và giàu có. Chính vì thế, ngay sau khi viết xong, Trí Thiên Bảo bèn sai đệ tử Trương Cửu Tiêu trình bức thư này vào hoàng cung cho hoàng đế.
Không ngờ Càn Long sau khi đọc xong lại không vui chút nào. Ngay lập tức ông hạ lệnh trói Trương Cửu Tiêu vào và hạ lệnh xử tử. Quá sợ hãi, Trương bèn thú tội rằng người viết bức thư thực chất là Trí Thiên Bảo. Chỉ sau một tiếng của Càn Long, Trí Thiên Bảo và Trương Cửu Tiêu đều bị xử tử vì tội danh "đưa ra nhận xét sai lệch về số phận nhà Thanh". Cuốn "Đại Thanh thiên định vận sổ" cũng bị đốt ngay sau đó.
Trên thực tế, mặc dù những lời của Trí Thiên Bảo đều là bày tỏ những lời chúc tốt đẹp nhất cho sự trường thọ của hoàng đế và vận mệnh của nhà Thanh. Tuy nhiên, chúng vô tình chạm đến những dây thần kinh nhạy cảm trong trái tim hoàng đế. Trước hết, mặc dù ở thời đại đó, 80 tuổi được coi là trường thọ, nhưng đối với hoàng đế, điều mà ông mong mỏi chính là "bất tử". Vậy việc Trí Thiên Bảo nói Càn Long chỉ có thể sống đến 80 tuổi, điều này đồng nghĩa với việc đang nguyền rủa đế vương.
Thứ hai, Trí Thiên Bảo dự đoán vận mệnh của nhà Thanh sẽ kéo dài 800 năm. Đây được cho là khoảng thời gian không hề ngắn đối với một triều đại.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc nhà Thanh cuối cùng sẽ suy tàn. Đó là chưa kể một thường dân muốn quyết định vận mệnh của một triều đại được cho là những nhận xét ngạo mạn, coi thường hoàng đế.
Nhiều người cho rằng vì quá tức giận với hành động này nên Càn Long chắc chắn không dung thứ cho Trí Thiên Bảo và đệ tử của mình.