Câu nói này là đúc kết kinh nghiệm sống và trí tuệ của người xưa, được truyền lại cho tới ngày nay. Nhưng ở thời điểm hiện tại, liệu nó còn phù hợp không?
Sáng không mua thịt lợn
Trước đây, ở nông thôn hầu như nhà nào cũng nuôi lợn. Chúng được ăn rau cám tự nhiên chứ không dùng thức ăn chăn nuôi tinh chế như hiện nay. Hơn nữa, lợn còn được thả ra ngoài hoạt động, nên thịt thơm ngon hơn rất nhiều so với lợn nuôi tăng trọng bây giờ.
Vì dùng rau củ tự nhiên nên lợn thời xưa phát triển chậm hơn, thông thường phải nuôi 1 năm mới có thể giết thịt. Thời xưa, người ta coi việc giết mổ lợn có thể ảnh hưởng đến may mắn của năm, nên họ không làm việc này vào ban ngày mà thường diễn ra lúc 3-4 giờ sáng. Tuy nhiên, quá trình xử lý sau đó mất vài giờ, nên thịt lợn ra đến chợ cũng phải 10 giờ sáng.
Do đó, nếu bạn đi mua thịt lợn vào sáng sớm thì có khả năng đó là thịt cũ sót lại từ hôm trước. Kể cả có thịt tươi thì cũng bị trà trộn, khó phân biệt. Vì vậy, người xưa mới đúc kết câu "sáng không mua thịt lợn".
Tối không mua đậu phụ
Ở nông thôn xưa, công nghệ và dụng cụ xay không phát triển, việc làm đậu phụ phải qua rất nhiều bước như ngâm đậu, xay, lọc, nấu chín, ép đậu. Do người nông dân bận rộn với công việc đồng áng ban ngày và nhiệt độ lúc này cũng cao, đậu phụ dễ hỏng nên họ chọn ngâm đậu vào buổi tối. Đến 1-2h sáng, họ thức dậy tiếp tục làm các bước tiếp theo. Đến buổi sáng, mẻ đậu phụ mới sẽ hoàn thành và có thể bán cho khách. Đây sẽ là thời điểm tốt nhất để mua được đậu phụ tươi.
Nếu chờ đến chiều tối mới mua, cộng thêm thời tiết nóng bức thì đậu phụ dễ hỏng. Do đó, người xưa mới đúc kết "tối không mua đậu phụ".
Trên đây là quan niệm mua thực phẩm của người xưa. Ngày nay, với tốc độ tiêu thụ thực phẩm lớn, công nghệ bảo quản tốt hơn thì việc mua thịt lợn, đậu phụ vào các thời điểm khác trong ngày vẫn không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu muốn ăn đồ tươi rói, mới ra lò thì bạn vẫn nên tham khảo câu nói của người xưa.