Khi xem các bộ phim cổ trang Trung Quốc, chúng ta đều thấy hầu hết những phụ nữ trong đó đều xinh đẹp tuyệt vời, đặc biệt là phi tần của hoàng đế, phu nhân các vương gia, quan lớn. Mọi người đều cảm thấy điều này là hiển nhiên bởi họ đã qua một cuộc tuyển chọn thì làm sao có thể xấu xí.
Nhưng sau khi những ngôi mộ của tầng lớp hoàng tộc, quý tộc Trung Quốc xưa được khai quật thì dung mạo những người phụ nữ trong mộ được khôi phục. Thường thì vẻ đẹp của họ đều khiến mọi người thất vọng bởi không được đẹp như phim ảnh. Theo quan điểm hiện tại, họ còn bị coi là xấu xí. Nhiều bức chân dung những người phụ nữ có địa vị cao được lưu truyền lại cũng cho thấy họ không hề đẹp. Vậy lý do thật sự là gì? Phải chăng đàn ông thời cổ đại không thích phụ nữ đẹp? Thực ra, chỉ cần phân tích một chút mọi người sẽ hiểu nguyên nhân.
Lý do thứ nhất là do quan niệm. Trong xã hội phong kiến, mọi người coi trọng tính cách của phụ nữ hơn. Chỉ cần người phụ nữ hiền lành thì gia đình sẽ yên bình. Nếu họ quá đẹp thì sẽ bị coi là có vẻ quyến rũ, khiến đàn ông sa đà vào nhan sắc của phụ nữ. Vì vậy, khi cha mẹ chọn vợ cho con trai cũng không chọn người quá đẹp. Trong xã hội cũ, chỉ có vợ cả mới được coi là chính thất, những người còn lại chỉ là "phòng nhì". Nhìn chung, người xưa coi trọng tính cách của người phụ nữ nên những cô gái ngoan Hiền Thục đức sẽ được coi trọng chứ không phải xinh đẹp mỹ miều.
Lý do thứ hai là thẩm mỹ khác nhau. Trung Quốc thời hiện đại cho rằng phụ nữ vóc dáng mảnh mai mới là đẹp, nhưng thời cổ đại, một trong những nhiệm vụ quan trọng của phụ nữ là sinh con nối dõi. Nếu phụ nữ quá gầy, người ta sẽ cho rằng điều này không thuận lợi cho việc sinh đẻ. Vào thời nhà Đường, triều đại này coi trọng vẻ đẹp phồn thực, nảy nở. Mọi người cho rằng phụ nữ tròn trịa hấp dẫn hơn. Điều này cho thấy tiêu chuẩn đánh giá vẻ đẹp không giống nhau, dẫn đến sự khác biệt trong tiêu chuẩn chọn vợ. Do đó, không thể dùng thẩm mỹ hiện tại để đánh giá vẻ đẹp của người xưa.
Thứ ba là xét về gia thế. Thời xưa, mọi người coi trọng việc kết hôn giữa những gia đình cùng đẳng cấp xã hội. Ngay cả khi nam nữ cảm thấy hợp nhau, nếu gia đình không môn đăng hộ đối thì việc kết hôn cũng khó khăn. Đặc biệt đối với hoàng gia, hôn nhân thường là công cụ để củng cố quyền lực, kể cả đối với hoàng đế. Để làm cho triều đình ổn định hơn, họ sẽ đưa nhiều phụ nữ vào làm cung phi, cân bằng mối quan hệ giữa các phe phái. Lúc này, vẻ đẹp của phụ nữ không còn quan trọng so với vị trí của họ.
Lý do cuối cùng là họ không thể tự quyết định hôn nhân. Không phải tất cả các hoàng tử thời nhà Thanh đều có quyền tự quyết định hôn nhân của mình, huống hồ họ chỉ có thể chọn vợ sau khi hoàng đế đã chọn xong. Hơn nữa, hoàng gia nhà Thanh thường không kết hôn với người Hán. Vẻ đẹp của phụ nữ Mãn không được đánh giá cao bằng phụ nữ Hán. Khi số lượng người Mãn rất ít, cộng với các quy định về BÁt Kỳ thì sự lựa chọn càng hạn chế. Muốn chọn một cô gái xinh đẹp trong con số ít ỏi này thực sự không phải việc dễ dàng.
Nhìn chung, khi hôn nhân phục vụ quyền lực, việc có một cuộc hôn nhân hạnh phúc trở nên khá khó khăn. Việc cưới được một người vợ xinh đẹp theo chuẩn hiện đại càng khó hơn.