Nhiều chuyên gia tin rằng việc Trung Quốc mạo hiểm danh tiếng toàn cầu của mình ở Biển Đông là bởi Bắc Kinh nhìn thấy những giá trị chiến lược tại khu vực này.
Trong vòng 3 tháng tới, tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague dự kiến sẽ quyết định về những yêu sách lãnh thổ mập mờ, rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông. Đây là điều mà Trung Quốc cam đoan là không đúng với luật pháp quốc tế.
Có một số lý do khiến quyết định này quan trọng. Trong đó phải kể đến chiến dịch chiếm đảo của Trung Quốc có thể được thiết kế để mang lại cho Bắc Kinh một pha khóa đầu chiến lược tại một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất hành tinh.
Các chuyên gia nói với CNBC rằng Trung Quốc có thể sẽ mất một vài thứ trong vụ kiện ở Hague, vụ kiện giữa "Philippines và Trung Quốc". Quốc gia đông dân nhất thế giới đã lên án quá trình này và quyết định không tham gia. Nhưng quyết định của tòa án, nói một cách nghiêm túc vẫn là bắt buộc theo luật pháp quốc tế.
Ngoài bản thân các yêu sách địa lý, tòa án cũng đang xem xét liệu Bắc Kinh có đang cường điệu về các loại lãnh thổ mà họ kiểm soát hay không - các quyền hàng hải, hàng không kết hợp với các bãi đá khác hẳn với những rạn san hô hay các hòn đảo - và tính hợp pháp của những hành động khác mà Trung Quốc đang thực hiện gần Philippines.
Trung Quốc tìm cách tăng cường kiểm soát tại Biển Đông. Ảnh: Getty |
Các chuyên gia đang theo dõi chặt chẽ tình hình Biển Đông nói với CNBC rằng họ mong đợi Trung Quốc sẽ mất ít nhất một vài thứ trong vụ kiện này nhưng thách thức thực tế sẽ đến tùy vào cách mà Trung Quốc phản ứng với phán quyết của tòa. Có thể Trung Quốc sẽ từ bỏ những yêu sách rộng lớn nhất của mình, nhưng họ cũng có thể chứng minh sẵn sàng hất đổ hệ thống luật pháp quốc tế.
"Suy đoán của tôi là Trung Quốc về cơ bản đã tính toán là sẽ đạt được một số thứ trước mắt, đúng hơn là những hành động gây hấn ở Biển Đông và phải chịu tai tiếng cho điều này. Đổi lại, họ sẽ đạt được cái mà họ tin là những lợi ích chiến lược lâu dài", Mira Rapp-Hooper, một học giả cấp cao của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Tân Mỹ cho biết.
Lý do thực sự để Bắc Kinh mạo hiểm danh tiếng toàn cầu của mình ở một số đảo nhỏ vẫn còn đang được tranh luận. Hầu hết đồng ý rằng Trung Quốc thực sự tin rằng mình có quyền lịch sử đối với khu vực này - nhưng các nguồn năng lương tương đối ít ỏi ở Biển Đông (đặc biệt với Giá dầu rẻ như hiện nay) thì hầu như không thể biện minh đây là một sự chiếm đoạt hung hăng trên cơ sở Chính sách thực dụng.
Thay vào đó, nhiều người đã chỉ ra những giá trị địa chiến lược của Biển Đông.
"Kết luận hợp lý rút ra từ việc Trung Quốc bồi đắp thêm các đảo vào khu vực phía nam Biển Đông với những đường băng cỡ quân sự, các cầu cảng trọng yếu, những hệ thống radar và không gian để cung cấp cho quân đội cho thấy mục tiêu của Trung Quốc là thống trị Biển Đông theo ý muốn", Peter Dutton, giáo sư kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, thuộc ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng 2 tại Chatham House, London.
"Do đó, theo quan điểm của tôi, việc xây đảo là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Họ biến Biển Đông tiềm năng trở thành một eo biển của Trung Quốc chứa không phải là một bộ phận mở hàng hải chung toàn cầu", ông nói.
Trả lời CNBC, ông Dutton giải thích rằng có rất ít trường hợp mà Trung Quốc muốn hạn chế hoạt động thương mại tại khu vực nhưng "vấn đề thực sự" là Bắc Kinh có thể sẵn sàng thực hiện điều đó trong thời gian xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột.
Và đó là điều khiến Mỹ bắt đầu hoạt động: Bộ Thương mại Hoa Kỳ ước tính Mỹ đã xuất khẩu 79 tỷ USD hàng hóa tới các nước quanh khu vực Biển Đông vào năm 2013, nhập khẩu 127 tỷ USD từ các nước này trong cùng giai đoạn. Đô đốc Hải quân Mỹ Robert Willard ước tính trong năm 2011, khu vực này chiếm khoảng 5,3 nghìn tỷ USD thương mại song phương mỗi năm trong đó có 1,2 nghìn tỷ USD gắn liền với Mỹ.
"Truy cập buôn bán tự do là một lợi ích quan trọng đối với Mỹ, vì thế chúng ta phải xem xét tới điều này khi một nước có thể ngăn các nước khác" tiếp cận, ông Dutton nói.
Trong bài phát biểu tại Chatham House, ông Dutton đã ví "eo biển chiến lược" Trung Quốc với eo biển Hormuz - một "điểm nghẹt thở" quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Toàn bộ 90% nhập khẩu năng lượng tại ĐôngÁ đi qua Biển Đông, ông nói.
Thoạt nhìn, Biển Đông không có vẻ như một "nút cổ chai" địa lý. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tạo ra một eo biển hiệu quả bằng cách đưa đù các tài sản quân sự của mình lên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Bà Rapp-Hooper không nghĩ tình hình Biển Đông sẽ đạt tới mức độ eo biển chiến lược. Các tiền đồn hiện nay của Trung Quốc có thể "rất phức tạp để Mỹ lên kế hoạch hoạt động" trong khu vực nhưng "khó để thấy được" Trung Quốc đóng cửa khu vực chỉ với các căn cứ trên đảo mà họ đang xây dựng.
Trong thực tế, theo bà Rapp-Hooper, Trung Quốc tích tụ quân tại khu vực này phần nào là sợ các cường quốc khác phong tỏa thương mại ở Biển Đông.
Nhưng dù Trung Quốc xây đảo với bất cứ lý do nào thì phán quyết sắp tới của tòa án là "phát súng thực sự" với tương lai khu vực, ông Dutton nói. Điều này có thể khiến Trung Quốc đẩy nhanh tích tụ quân đội tại khu vực.
"Trung Quốc nhận ra hoàn cảnh mà mình đang rơi vào, vì thế họ đang có những hành động trên biển để nhấn mạnh sự kiểm soát của mình". Theo ông Dutton, đó là cách mà Trung Quốc phản ứng lại với quá trình giải quyết tranh chấp hòa bình trên Biển Đông.
Bảo Linh (CNBC)