Tin mới

Lý do TQ không chấp nhận vụ kiện lên tòa án quốc tế của Philippines

Thứ tư, 10/12/2014, 14:17 (GMT+7)

Trong bản văn kiện tuyên bố lập trường đưa ra vào hôm 7/12, Bắc Kinh đã vạch ra những nguyên nhân lý giải việc từ chối chấp nhận yêu cầu phân xử quốc tế của Philippine.

Trong bản văn kiện tuyên bố lập trường đưa ra vào hôm 7/12, Bắc Kinh đã vạch ra những nguyên nhân lý giải việc từ chối chấp nhận yêu cầu phân xử quốc tế của Philippine.

Ảnh: Hải quân Mỹ

Vào ngày 7/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã công bố bản sao của văn kiện tuyên bố quan điểm của Trung Quốc về yêu cầu đưa ra tòa án quốc tế phán xét vụ Biển Đông của Philippines. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nêu rõ quan điểm của họ về vấn đề này. Trung Quốc từ lâu cho biết họ sẽ không tham gia hay không chấp nhận kết quả phán xét của tòa án quốc tế. Việc công bố văn kiện về quan điểm của Trung Quốc là lời bào chữa về pháp lý cho trường hợp này.

Theo Xu Hong, Vụ trưởng Vụ Hiệp ước và Luật của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, quyết định công bố văn bản để làm rõ những quan niệm sai lầm về quan điểm của Trung Quốc. “Nhiều người không biết sự thật đã đặt câu hỏi rằng Trung Quốc không chấp nhận hay không tham gia vào việc phán xử quốc tế? Một số người khác lại giấu diếm động cơ xấu xa, đã cáo buộc hay nói ám chỉ rằng Trung Quốc không tuân theo luật pháp quốc tế." Đáp lại những chỉ trích này, ông Xu nói, văn kiện về quan điểm sẽ “vạch trần những khẳng định vô căn cứ của Philippines và xây dựng hình ảnh Trung Quốc thành một nhà bảo vệ, nhà tuyên truyền cho luật pháp quốc tế.”

Điểm mấu chốt trong vụ việc này là Trung Quốc không tin tòa án quốc tế có đủ quyền tài phán để quyết định vụ kiện của Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc phủ nhận có thể sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết các vấn đề chủ quyền Biển Đông, trong đó Bắc Kinh là tâm điểm của vụ việc.

Theo văn kiện quan điểm của Trung Quốc: “Đề quyết định rõ ràng về bất kỳ tuyên bố nào của Philippines, Tòa án Phân xử phải xác định, trực tiếp hay gián tiếp, cả về vấn đề chủ quyền lãnh thổ đang gây tranh cãi và các vấn đề về Biển Đông khác… Trong đó, vấn đề chủ quyền lãnh thổ vượt quá phạm vi quyền hạn của Công ước.” Một trong những việc đầu tiên tòa án phải xem xét là, trên thực tế, liệu họ có quyền giải quyết tất cả các vấn đề này không. Còn Trung Quốc khẳng định, trường hợp của Philippines không được phép tiến hành.

Sau đó, văn kiện quan điểm phản đáp lại quan điểm cốt lõi của Philippine khi họ cho rằng các tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” mâu thuẫn với UNCLOS và các tuyên bố của Trung Quốc đối với các vùng nước vượt khỏi giới hạn 200 lãnh hải chịu quy định bởi UNCLOS. Trung Quốc đã phản đáp rằng, vấn đề cơ bản về chủ quyền phải được giải quyết trước tiên.  “Chỉ sau khi phạm vi lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được xác định thì bất cứ phán xét nào về tuyên bố hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông mới có hiệu lực”, văn kiện lập luận. Nói cách khác, trước khi UNCLOS hay bất cứ điều khoản quốc tế nào có thể giải quyết những tuyên bố hàng hải, Trung Quốc và những nước tranh chấp phải phân định ai sở hữu cái gì trước.

Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, vào năm 2006 họ đã chính thức tuyên bố không chấp nhận quá trình giải quyết cưỡng ép của UNCLOS, bao gồm những vấn đề về phân định ranh giới hàng hải. Khi Philippines đệ đơn thành công lên tòa án quốc tế xem liệu các khu vực tranh chấp thuộc khu vực EEZ của Philippine và vùng thềm lục địa hay không, phán quyết của tòa án chắc chắn phải liên hệ chặt chẽ vào sự phân định ranh giới hàng hải. Thậm chí nếu tòa án có quyền tài phán, Trung Quốc vẫn kiên quyết họ không có nghĩa vụ phải tuân theo quy định này. Văn kiện nói: “Bằng cách khởi xướng việc yêu cầu phân xử ép buộc như một nỗ lực để phá vỡ tuyên bố của Trung Quốc vào năm 2006, Philippines đang lạm dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp của dưới danh nghĩa của Công ước.”

Cuối cùng, Trung Quốc tuyên bố rằng, bằng cách đệ đơn lên tòa án phân xử quốc tế, Philippines đang vi phạm thỏa thuận hiện có về ổn định tranh chấp về Biển Đông thông qua đàm phán với Trung Quốc. Trung Quốc phản bác: “Philippines không được đơn phương kích động việc phân xử cưỡng ép” và dẫn ra cả thỏa thuận song phương nào đó và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký bởi Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN vào năm 2002. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố rằng việc kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế của Philippine không có thiện chí để giải quyết một cách hòa bình về Biển Đông, mà là nỗ lực “gây áp lực chính trị lên Trung Quốc.” 

Văn kiện về quan điểm của Trung Quốc kết luận:

“Việc đơn phương khởi xướng phân xử hiện tại của Philippine sẽ không thay đổi được lịch sử và thực tế về chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở biển đông và các vùng biển gần kề; hay sẽ làm thay đổi các giải pháp và quyết định của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền, những lợi ích và quyền hàng hải liên quan; ảnh hưởng đến Chính sách và quan điểm của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng những cuộc đàm phán trực tiếp và cùng làm việc với các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Trung Quốc đã khẳng định không thay đổi bất kỳ quan điểm nào của họ trên Biển Đông trong vụ việc của Philippines, bất kể những gì tòa án quyết định.

Trung Quốc đã ngang ngược khẳng định chủ quyền với hầu hết Biển Đông, gây hấn với các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei để khẳng định tuyên bố phi lý của mình. Hồi tháng 3, Philippines nộp tài liệu 4.000 trang lên tòa án quốc tế, phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Quá trình xét xử vụ kiện của Philippines vẫn có thể diễn ra dù Trung Quốc từ chối tham gia, vì nhiệm vụ của tòa án không phải là giải quyết tranh chấp mà là đánh giá tính hợp lệ của "đường chín đoạn" mà Trung Quốc ngang nhiên đưa ra, cũng như đánh giá một số mặt khác theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Bắc Kinh đã ký kết.

Theo Chi MK (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news