Ngay khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ vào tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp trên Biển Đông, một tàu chiến Trung Quốc đã lập tức bám sát để yêu cầu Washington có "câu trả lời".
"Các anh đang ở trong vùng biển của Trung Quốc. Mục đích của các anh là gì", Robert Francis, sĩ quan chỉ huy trên tàu khu trục USS Lassen, mô tả lại cuộc chạm trán tàu Trung Quốc với hãng Reuters.
Thủy thủ đoàn trên USS Lassen trả lời rằng họ đang hoạt động phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế và tuần tra trên biển như một cách thực hiện quyền tự do đi lại, đồng thời thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển chiến lược này.
Phản ứng từ tàu khu trục Trung Quốc là gì?
"Vẫn là một câu hỏi và liên tục lặp đi lặp lại", ông Francis nói thêm khi đang ở trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khi nó đang nó đang ở cách cực Nam quần đảo Trường Sa khoảng 150-200 hải lý, nơi Trung Quốc đã cải tạo 7 bãi đá để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trong suốt 2 năm qua.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ hôm 27/10 đã thực hiện tuần tra gần các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: US Navy. |
USS Lassen đã gia nhập nhóm tác chiến với tàu sân bay Theodore Roosevelt vào đêm 4/11, ngay trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter lên thăm.
Bắc Kinh đã chỉ trích Washington về chuyến tuần tra của USS Lassen. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại chiều tối 27/10 triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus để trao công hàm phản đối. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo hải quân nước này điều hai tàu khu trục tên lửa "Lan Châu 170" và "Đài Châu 533" áp sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, khu vực mang lại 5.000 tỷ USD thương mại toàn cầu mỗi năm. Tuyên bố của Bắc Kinh chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines.
Trả lời về tần số tàu chiến USS Lassen "tương tác" với tàu và phi cơ quân sự Trung Quốc, ông Francis cho biết con số đó rơi vào khoảng 50 lần kể từ tháng 5 khi tàu Mỹ đến tuần tra ở Biển Đông và biển Hoa Đông như một hoạt động thường lệ.
"Mỗi lần tàu Mỹ đến đây chúng tôi đều tương tác với Trung Quốc", Francis nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể điều động hàng chục tàu hải quân và tuần duyên đến Biển Đông, do đó, số lần chạm trán với tàu Mỹ có thể gia tăng. Đặc biệt, sau khi Washington tuyên bố sẽ lên kế hoạch tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép hai lần một quý, khả năng chạm trán sẽ càng cao hơn.
Robert Francis, sĩ quan chỉ huy trên tàu USS Lassen, trả lời báo giới hôm 5/11 về cuộc chạm trán với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AP. |
Các tàu khu trục Trung Quốc đã bám theo USS Lassen suốt 10 ngày trước khi nó tuần tra gần các đảo nhân tạo hôm 27/10, Francis nói. Lassen tiến vào khu vực cách nơi Trung Quốc cải tạo gần nhất khoảng 6-7 hải lý.
Tuy nhiên, không phải tất cả các tương tác hải quân Mỹ- Trung đều căng thẳng.
"Vài tuần trước, chúng tôi đã nói chuyện với một trong những tàu chiến Trung Quốc bám theo chúng tôi. Chúng tôi nhấc bộ đàm lên và chỉ nói 'Này, các anh định làm gì vào thứ 7 này vậy? Chúng tôi có món pizza và cánh gà. Các anh ăn gì? Chúng tôi đang sửa soạn cho Halloween'".
"Mục đích của chúng tôi là muốn họ biết chúng tôi chỉ là những thủy thủ bình thường và cũng có gia đình như họ", Francis nói.
Các thủy thủ Trung Quốc đã trả lời bằng tiếng Anh về quê hương, gia đình và những nơi họ đã ghé thăm.
"Họ khá thân thiện, ngay cả trước và sau khi USS Lassen đi qua Trường Sa".
"Khi rời đi họ nói rằng họ không thể đi cùng chúng tôi nữa và chúc chúng tôi có chuyến đi tốt lành. 'Hy vọng gặp lại'", Francis kể lại.
Francis nói rằng ông và hơn 300 thủy thủ trên USS Lassen không bị tác động bởi những tin tức truyền thông đưa gần đây về cuộc chạm trán này.
"Đó là một ngày như mọi ngày khác ở Biển Đông. Tất cả đều rất chuyên nghiệp," ông nói.
Washington hôm 27/10 đã điều tàu chiến đến tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông, động thái khiến Trung Quốc nổi giận và được giới chuyên gia nhận định là nhằm thách thức Bắc Kinh. Giới chức Mỹ khẳng định họ chỉ đang thực hiện quyền tự do đi lại theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Lê Huyền (Reuters)