Reuters cho biết vào tháng 4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Hà Lan vừa gửi thư thông báo về trường hợp nhiễm virus SARs-nCoV-2 từ chồn. Cụ thể, Bộ trưởng Carola Schouten cho biết ca nhiễm nói trên là một nông dân làm việc tại một trại nuôi chồn lấy lông xuất khẩu.
Trong khoảng thời điểm đó, Hà Lan đã nhận báo cáo về đợt bùng phát dịch Covid-19 tại các trang trại nuôi chồn ở tỉnh Noord Brabant.
Loài chồn được nông dân Hà Lan nuôi để lấy lông. Ảnh: Internet
Các con vật đã được xét nghiệm chẩn đoán sau khi chúng có một số triệu chứng, trong đó có hiện tượng khó thở. Các nhà chức trách đã hạn chế việc đi vào các trang trại nói trên để đề phòng, nhưng cho biết không có nguy cơ lây truyền virus từ động vật sang người.
Trong thư gửi quốc hội, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp thừa nhận những khuyến cáo trước đó của Bộ về khả năng lây lan virus từ động vật cho người bằng số không là sai lầm. Dù vậy, bà cho biết Viện Y tế Hà Lan vẫn đánh giá nguy cơ truyền nhiễm bên ngoài chuồng trại vật nuôi rất thấp.
Đây không phải trường hợp đầu tiên về động vật nhiễm COVOD-19. Hồi tháng 3, các nhà khoa học tại thành phố Vũ Hàn đã xét nghiệm và nhận ra nhiều cá thể mèo hoang ở thành phố này có nguồn lây nhiễm. Trong khi đó, một con hổ ở sở thú Bronx, New York cũng đã được ghi nhận nhiễm virus corona chủng mới.
Một số động vật nuôi trong nhà đã mắc COVID-19, bao gồm hai con mèo ở bang New York, ca đầu tiên ở Mỹ; một con chó Pomeranian và một con chó chăn cừu Đức ở Hong Kong; một con mèo nhà ở Bỉ.
Cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy những động vật này có thể truyền bệnh cho người và tham gia vào việc lây lan COVID-19. Virus được lây truyền chủ yếu qua các giọt bắn trong không khí, nghĩa là thông qua các giọt được giải phóng từ đường hô hấp của bệnh nhân, ví dụ như ho, hắt hơi hoặc giao tiếp.