Tin mới

Thủ đoạn luồn lách thực phẩm “bẩn” ở Trung Quốc

Thứ sáu, 01/08/2014, 11:24 (GMT+7)

Nếu lực lượng thanh tra đến Công ty TNHH thực phẩm Phúc Hỷ Thượng Hải, Trung Quốc chỉ trước 1 hôm so với thông báo, họ có thể bắt gặp hàng đống túi thịt quá hạn xếp chồng lên nhau quanh phân xưởng. Nhưng chỉ đến sáng hôm sau, chúng đã biến mất. Có những thủ đoạn che giấu vi phạm rất tinh vi ở trong ngành chế biến thực phẩm Trung Quốc.

Nếu lực lượng thanh tra đến Công ty TNHH thực phẩm Phúc Hỷ Thượng Hải, Trung Quốc chỉ trước 1 hôm so với thông báo, họ có thể bắt gặp hàng đống túi thịt quá hạn xếp chồng lên nhau quanh phân xưởng. Nhưng chỉ đến sáng hôm sau, chúng đã biến mất. Có những thủ đoạn che giấu vi phạm rất tinh vi ở trong ngành chế biến thực phẩm Trung Quốc.

Kiểm tra lấy lệ

“Ai đó được giao nhiệm vụ phải xử lý gấp trước khi đoàn kiểm tra đến”, một công nhân của Công ty Phúc Hỷ (Shanghai Husi Food) không muốn nêu tên cho biết. Theo tiết lộ của người này, nhà máy chủ trương trộn thịt cũ với thịt mới để tăng Doanh thu. Dù vậy, sau phóng sự của truyền hình địa phương về sai phạm nghiêm trọng của nhà máy, Husi Food phải đóng cửa, 5 người bị bắt giữ. Đáng nói Husi là công ty con tại Trung Quốc của Tập đoàn OSI Group, nhà cung ứng thực phẩm có trụ sở chính tại Mỹ, vì thế vụ scandal cũng khiến cho các tập đoàn khổng lồ về thức ăn nhanh như McDonald và Yum Group bị “vạ lây”.

Ngay sau khi sự việc vỡ lở, dư luận đặt câu hỏi: Việc kiểm soát an toàn thực phẩm thế nào mà để xảy ra bê bối thực phẩm bẩn liên tục như vậy? Phía sau hàng nghìn cửa hàng bán đồ ăn nhanh với biển hiệu bắt mắt ở Trung Quốc là chuỗi cung ứng mà vì lợi nhuận trước mắt, nhiều nhà kinh doanh có thể sử dụng các chiêu thức nhằm tuồn vào thực phẩm bẩn, sau đó tìm cách che đậy những hành vi sai trái khi có đoàn kiểm tra. Thường thì họ chỉ trưng ra phần tốt nhất của nhà máy hoặc đưa thanh tra viên đến các nhà máy “giả”, vì thế kết quả kiểm tra hiếm khi có được đánh giá đầy đủ. “Họ muốn cung cấp cho khách hàng những hình ảnh đẹp nhất của nhà máy, vì thế nếu xảy ra sơ suất thì giấu nhẹm đi”, Evelyne Mazaleyrat, chuyên gia kiểm định thực phẩm của Bureau Veritas châu Á cho biết.

Việc kiểm tra an toàn thực phẩm của Trung Quốc thường chỉ để lấy lệ, có thông báo trước và tiến hành công khai với bảng câu hỏi có sẵn. “Một hệ thống thanh tra bị phá sản”, Mansour Samadpour, Giám đốc điều hành phòng thí nghiệm IEH & Consulting Group tại Seattle khẳng định. “Đó chính là kẽ hở khiến người ta chối bỏ trách nhiệm của mình đối với sự an toàn của thực phẩm mà họ bán ra”, vị này nói.

Hết chủ quan

Với sự phát triển nóng của ngành công nghiệp thực phẩm, Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách vực dậy lòng tin của người tiêu dùng sau vụ 6 trẻ sơ sinh tử vong vì uống phải sữa bẩn năm 2008. Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc thừa nhận trên tờ China Daily tuần này rằng sai phạm về an toàn thực phẩm “vẫn nghiêm trọng” và hệ thống kiểm soát hiện có “không hiệu quả”. “Ở các nước phát triển, mọi người tham gia giao thông đều tuân thủ đèn tín hiệu. Nhưng ở Trung Quốc thì không phải vậy, mạnh ai nấy đi, không ai quan tâm đến đèn tín hiệu giao thông nên trong môi trường đặc biệt này, những sự việc như Husi là rất khó tránh khỏi”, một quan chức của Hiệp hội Thịt Trung Quốc phát biểu khi đề cập đến những yếu kém trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của nước này.

Vụ bê bối Husi Food cũng phơi bày yếu kém của các thương hiệu quốc tế trong việc giám sát chất lượng thực phẩm từ chuỗi cung ứng và nhà máy chế biến cho họ, dù đã có “người trong nhà” hoặc thông qua kiểm toán của bên thứ 3. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Yum Group và lớn thứ 3 của McDonald. Riêng tại Trung Quốc, Yum Group có 650 nhà cung cấp. Bên mua như Yum và McDonald đòi hỏi nhà cung cấp phải có khối lượng rất lớn và giá cả cạnh tranh. Vì thế, bê bối “thịt bẩn” của Husi có thể không phải là hiện tượng đơn lẻ. Năm ngoái, Yum Group dính vào 4 vụ kiện vì không giám sát chặt nhà cung cấp gia cầm của Trung Quốc. Tập đoàn này cho biết, họ kiểm tra mỗi nhà cung cấp ít nhất một năm một lần.

Trong tuần này, tập đoàn OSI, với doanh thu hàng năm gần 6 tỷ USD - đứng thứ 62 trong các công ty tư nhân hàng đầu của Mỹ theo xếp hạng của tạp chí Forbes, cho biết họ đã đình chỉ hoạt động tại Shanghai Husi Food và sẽ tăng cường giám sát tất cả các nhà máy của hãng ở Trung Quốc. Hiện giờ, mọi việc đều nằm trong vòng chỉ đạo trực tiếp từ trụ sở chính ở Illinois. Hãng này tuyên bố sẽ mời các chuyên gia toàn cầu tiếp tục giám sát đầy đủ các hoạt động sản xuất cũng như trên tài liệu giấy tờ. Thực tế, tài liệu kiểm tra tại nhà máy Husi Food do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thực hiện vào năm 2004 và 2010 nhằm dọn đường cho cơ sở này xuất khẩu gia cầm vào thị trường Mỹ cho thấy cũng có một số vấn đề.

Bê bối cung cấp “thịt thối” cho các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh xảy ra đúng thời điểm Trung Quốc vừa đưa ra một dự thảo Luật An toàn thực phẩm để lấy ý kiến công chúng. Trong dự thảo này, đối tượng vi phạm sẽ phải nhận các hình phạt nặng hơn nhiều so với hiện tại, cụ thể hành vi phân phối thịt bệnh và nhiễm bẩn có thể bị phạt 30.000 USD, đồng thời có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. (Nguồn: Forbes)

Theo Reuters

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news