Tin mới

Thực hư tin đồn thân quyến Jang Song-thaek bị xử tử?

Thứ ba, 28/01/2014, 14:33 (GMT+7)

Theo đài Tiếng nói nước Nga, cần thận trọng khi xử lý thông tin về Triều Tiên, nhất là từ “các nguồn giấu tên”.

Theo đài Tiếng nói nước Nga, cần thận trọng khi xử lý thông tin về Triều Tiên, nhất là từ “các nguồn giấu tên”.

 

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 27/1 đã dẫn “nhiều nguồn giấu tên” cho hay Bình Nhưỡng đã xử tử chị ruột của Jang Song Thaek cùng chồng bà này là cựu đại sứ Triều Tiên tại Cuba, cháu trai của Jang Song Thaek - vốn là đại sứ tại Malaysia, cũng như hàng loạt thân nhân của vị cựu “đại thần” họ Jang. Một số bà con xa hơn không cùng huyết thống với Jang Song-thaek thì bị lưu đày đến trại cải tạo.

Thực hư tin đồn thân quyến Jang Song-thaek bị xử tử?

Thông tin lập tức được tán phát trên các phương tiện truyền thông thế giới.

Thỉnh thoảng từ Triều Tiên lại rò rỉ tin đồn về chuyện quan chức này hay vị tướng nọ… bị bắt hoặc bị hành hình. Thông thường trong những tin đồn đó kèm theo cả những chi tiết về cách thức thi hành án, thế nhưng không ai có thể kiểm tra độ chân thực của chúng.

Vì vậy, cẩn trọng khi tiếp nhận và xử lý những “nguồn tin” từ Triều Tiên là cần thiết. Tuy nhiên, nhìn chung, tin tức của Yonhap có vẻ như khá hợp lý và phù hợp với truyền thống ở Triều Tiên.

Một trong những đặc điểm của việc thanh trừng ở Triều Tiên từ đầu những năm 1960 là áp dụng nhất quán nguyên tắc về trách nhiệm gia đình đối với tội phạm chính trị. Tương ứng với nguyên tắc này, trong trường hợp một người phạm tội chính trị thì không chỉ đương sự phải chịu hình phạt, mà chính quyền còn xử phạt cả các thành viên trong gia đình. Các thành viên gia đình thường bị gửi đến Trại số 15 (Yedok), nơi hầu hết tù nhân đều là họ hàng bà con của tội phạm chính trị.

Trong trường hợp hành vi phạm tội bị coi là đặc biệt nguy hiểm, thì sự việc không chỉ giới hạn bằng việc tống vào trại cải tạo.  Được biết, với các tội phạm chính trị cỡ lớn như Pak Hon-yong (bị bắt năm 1955) hay Choi Chang-ik (bị bắt năm 1958), thân nhân của hai đối tượng này cũng bị xử tử.

Quả thực, từ giữa những năm 1990, khi ông Kim Jong-il lên nắm quyền, nguyên tắc qui trách nhiệm gia đình được áp dụng bớt phần cứng rắn, còn đến khoảng những năm 2002-2003 bắt đầu thi hành nguyên tắc này chỉ trong những trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, trường hợp Jang Song-thaek rõ ràng là cá biệt. Ngoài ra, các sự kiện của hai năm lại đây cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un có hướng hành động nghiêm khắc.

Vì vậy, thông báo của Yonhap xem ra có vẻ hợp lý - mặc dù một số chi tiết lộ rõ chất hư cấu. Cụ thể, khó tin được rằng nhân viên công lực đến bắt giữ đã bắn chết những phần tử dám chống lệnh ở ngay lối cầu thang ra vào nhà bởi vì chẳng một ai trong số đám người này thậm chí dám nghĩ đến chuyện chống lại. Vụ bắt giữ bất ngờ và tử hình nhanh chóng  "đại thần" Jang Song-thaek đã cho tất cả mọi người thấy rằng “chớ có đùa với lửa”.

Mặt khác, có chi tiết đáng chú ý là Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc đã không xác nhận thông tin nói trên của hãng tin Yonhap. Vì vậy, thận trọng khi tiếp nhận và xử lý thông tin giật gân về Triều Tiên xem ra chẳng bao giờ là thừa.

Theo Đời sống pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news