Cô gái bị bắt quỳ trong quán nướng chưa dám bước chân ra khỏi nhà
Chia sẻ trên VTC News, chị D.T.H. (SN 1993) cho biết đã nhận được giấy triệu tập của TAND TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) thông báo về việc xét xử chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện từng bắt chị quỳ xin lỗi.
Sự việc xảy ra hơn 1 tháng trước khiến cuộc sống của chị H. bị đảo lộn. Chị đã bán hàng trở lại nhưng chỉ ở trong nhà, chưa dám đi ra ngoài đường.
"Càng gần đến ngày xét xử, tâm trạng tôi càng lo lắng bất an. Những ký ức không vui ùa về khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Từ sau hôm bị chủ quán Hiền Thiện bắt quỳ, đến giờ tôi vẫn chưa dám ra khỏi nhà, phải lảng tránh khi ai đó hỏi thăm, nhắc đến chuyện cũ", chị H. kể lại.
Chị H. cho biết thêm, sau khi bài viết Cô gái bị chủ quán bắt quỳ xin lỗi: 10 ngày chưa dám về gặp con vì sợ bị trả thù được đăng tải trên VTC News, Công an TP Bắc Ninh mời chị lên làm việc và chị có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo.
"Tôi chờ đợi thái độ của ông Thiện khi đối mặt trực tiếp tại phiên xét xử, xem ông Thiện có ăn năn, có xin lỗi tôi không. Nếu ông Thiện thành khẩn, trước tòa tôi sẽ xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo", chị H. khẳng định.
Vỏ bọc hoàn hảo của đại gia Hải Dương có máy bay trên nóc biệt thự
Ngày 29/9, Công an Hà Nội xác nhận, đã tạm giữ Bùi Xuân Thành (43 tuổi, có hộ khẩu và ở tại số 10, đường Đào Tấn, phường Tân Bình, TP Hải Dương), và 4 người khác để điều tra về hành vi Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc.
Trước khi bị bắt, Bùi Xuân Thành được biết đến là một đại gia buôn gỗ có tiếng ở TP Hải Dương. Cách đây khoảng 5 năm, Thành gây xôn xao dư luận khi xây tòa biệt thự ở phường Thanh Bình
Đặc biệt, trên nóc nhà, đại gia này trưng mô hình chiếc trực thăng mô hình khiến nhiều người đi đường chú ý. Bên trong ngôi biệt thự được trang trí khá tinh xảo với đầy đủ tiện nghi hiện đại.
Chia sẻ trên Vietnamnet, một người dân sống gần nhà Thành cho biết, ông Thành ít khi xuất hiện nhưng khi thi công ngôi nhà này, ông ấy mời nhiều thợ từ tận Huế ra để làm.
Theo cơ quan điều tra, Thành là con bạc khét tiếng trong giới cá độ bóng đá, đối tượng từng có 2 tiền án về tội Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc. Số tiền một ngày mà Thành nướng vào các trận bóng lên tới cả chục tỷ đồng.
Ước tính từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng tiền giao dịch trong đường dây đánh bạc của Thành lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, Thành đặt hệ thống máy tính tại Mộc Châu và dùng điện thoại điều hành từ xa đường dây tổ chức đánh bạc này.
Nhà hàng ở Điện Biên bị 'bom' 350 mâm cỗ cưới: Có thể khởi kiện, đòi bồi thường được không?
Như tin đã đưa, chiều ngày 30/9, lãnh đạo UBND phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết, công an phường này vừa nhận trình báo của chủ nhà hàng Tâm Phúc về việc nhà hàng bị khách đặt rạp, cỗ đám cưới nhưng bị 'đánh tháo'.
Tối cùng ngày, anh Vũ Thế Long (chủ nhà hàng Tâm Phúc, ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), cho biết vẫn đang chờ công an xác minh, tìm cặp cô dâu, chú rể đã đặt 350 mâm cỗ cưới của nhà hàng rồi "bùng".
Theo đại diện nhà hàng Tâm Phúc cho biết họ nhận đơn đặt hàng làm cỗ khoảng 1 tuần trước.
Theo anh Long, chi phí cho 350 mâm cỗ và dựng rạp là khoảng 300 triệu đồng, khách hàng đặt cỗ là người quen nên không nhận tiền cọc trước khi làm cỗ. "Cặp nam nữ này là khách hàng hay ăn tại quán, thường nhậu tại nhà hàng tôi. Khi họ đặt yêu cầu làm cỗ cưới thì tôi đồng ý", chủ nhà hàng nói và cho biết thỏa thuận làm tiệc cưới giữa 2 bên không có giấy tờ, hợp đồng chỉ bằng miệng.
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc đặt tiệc cưới với nhà hàng là một giao dịch hợp đồng. Tuy 2 bên không thành lập văn bản, giao dịch đã xảy ra và phát sinh quyền, nghĩa vụ các bên.
Nếu bên đặt tiệc và nhà hàng thừa nhận có giao dịch thì đều phải chịu trách nhiệm khi có lỗi gây thiệt hại, dù có giấy đặt cọc hay không.
Luật sư Dũng cũng cho rằng hợp đồng cũng được thể hiện dưới các hình thức như lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể khác, chứ không nhất thiết luôn luôn phải lập thành văn bản.
Khởi tố nguyên đại úy quân đội lừa 'chạy' trường công an, chiếm đoạt 2 tỷ đồng
Ngày 30/9, theo thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh, Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam thời hạn 4 tháng đối với Phạm Văn Dũng (nguyên đại úy quân đội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo tài liệu của cơ quan CSĐT, trong thời gian còn tại ngũ, Phạm Văn Dũng, công tác tại Ban Chỉ huy quân sự TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An (phục viên tháng 5/2019) luôn tỏ ra mình có quan hệ rộng, quen biết với nhiều người nên có khả năng xin cho người khác vào học trong các trường công an, quân đội mà không cần phải thi tuyển sinh đầu vào.
Bốn người ở Hà Tĩnh đưa cho Dũng 2 tỷ đồng nhờ xin cho con vào học các trường công an, quân đội.
Trong đó, 2 người nhờ xin vào học trường quân đội với giá 450 triệu đồng/người và 2 người nhờ xin vào học trường công an với giá 550 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Dũng không thực hiện được cam kết mà chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của các bị hại.