Đối tượng được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông
Căn cứ điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cá nhân bị phạt tiền từ ba triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc mà không có khả năng thi hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông thì có thể được xem xét miễn, giảm tiền phạt.
Trong trường hợp này, người bị phạt phải có đơn đề nghị miễn, giảm phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong năm ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị miễn, giảm biết; nếu không đồng ý với việc miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.
Nếu Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định xử phạt thì UBND cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc miễn, giảm tiền phạt. Cá nhân được miễn, giảm tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định.
Như vậy, việc có được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông hay không là do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Giang hồ nổ súng 'huyết chiến', 2 người đi đường trúng đạn
Ngày 18/5, Lê Minh Hùng, 38 tuổi, và em trai Lê Minh Trung cùng nhiều người liên quan vụ hỗn chiến tại nhà hàng Vĩnh Lộc trên đường 6B, phường Bình Hưng Hoà B, bị Công an quận Bình Tân triệu tập.
Theo điều tra, tối ba hôm trước, Lê Minh Hùng ăn nhậu, hát karaoke trong nhà hàng cùng 13 người. Một lúc sau anh ta cự cãi với một người trong nhóm và xảy ra ẩu đả. Hùng gọi em trai và 3 người khác mang mã tấu đến nhà hàng "giải cứu".
Hai bên tấn công nhau bằng dao, ly, bàn ghế... Trung bị đâm vào bụng, tay chảy máu rất nhiều. Yếu thế, nhóm Trung bỏ chạy về nhà chú ruột trên đường Liên Khu 4-5, phường Bình Hưng Hoà B.
Khi bên đối thủ đuổi đánh đến nơi, người trong nhóm Trung nổ nhiều phát súng khiến người đàn ông và phụ nữ đi đường trúng đạn vào bụng, lưng. Khi cảnh sát có mặt, hai nhóm giang hồ đã rút lui, trong đó có nhiều người bị thương.
Cơ quan điều tra thu giữ 3 vỏ đạn (nghi của súng thể thao) ở sân nhà chú ruột Hùng và 3 mã tấu, một xe máy có túi xách đựng 2 dao dính máu.
Giải cứu 12 thiếu nữ bị ép phục vụ trong quán karaoke
Ngày 18/5, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Tối 17/5/2020, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an huyện Đông Sơn bất ngờ đột kích vào một ngôi nhà 3 tầng ở thôn Yên Doãn, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, giải cứu thành công 12 nữ nhân viên phục vụ các quán hát karaoke đang bị khống chế, giam lỏng tại đây.
Qua kiểm tra, sàng lọc đối với các nữ nhân viên này, đa số họ đều có độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi và đến từ các huyện miền núi như Quế Phong, Tương Dương (tỉnh Nghệ An), Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), Phước Thiện (tỉnh Gia Lai)...
Tiếp tục điều tra, mở rộng chuyên án, Phòng Cảnh sát Hình sự đã bắt giữ Trần Quốc Tuấn (SN 1998), ở xã Đông Văn, huyện Đông Sơn để điều tra, làm rõ hành vi “giữ người trái pháp luật”.Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT, Lê Văn Tiến (SN 1994), ở xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn là đối tượng chuyên "chăn dắt", bắt ép các phụ nữ phục vụ tại các quán hát karaoke trên địa bàn các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và một số địa bàn lân cận.
Để thu hút những "em gái" nhẹ dạ cả tin, Tiến đã thuê Trần Quốc Tuấn và một số đối tượng khác thường xuyên đăng thông tin trên mạng xã hội tìm kiếm nhân viên phục vụ tại các cửa hàng buôn bán quần áo, nhà hàng ăn uống... với mức lương cao. Khi có người mắc bẫy, các đối tượng này sẽ đón về nơi tập kết và ép buộc đi phục vụ các quán hát karaoke. Nếu trường hợp nào không đồng ý, các đối tượng bắt nhốt vào phòng trọ, sau đó hành hạ, đánh đập, đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi và làm theo yêu cầu của chúng.
Theo một số nạn nhân cho biết, do điều kiện gia đình khó khăn nên đã đồng ý làm nhân viên phục vụ quán ăn do có người giới thiệu. Tuy nhiên, khi phát hiện bị lừa họ đã xin nghỉ nhưng bị các đối tượng doạ đánh đập, doạ báo công an bắt vì vi phạm hợp đồng...
Vợ game thủ nổi tiếng cầm đầu đường dây đánh bạc 20 nghìn tỷ
Các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Hương Ly, trú tại phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội; Nguyễn Đức Mạnh, trú tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội); Nguyễn Thành Lượng, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy; Nguyễn Khắc Du, Đặng Tiến Đạt, Phạm Tiến Dương, Nguyễn Minh Chiến, cùng trú tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội); Nguyễn Gia Long, Mai Lan Phương, Nguyễn Văn Chính, Phạm Ngọc Tuấn, cùng trú tại quận 7, TP HCM; Thiều Văn Tứ, trú tại huyện Đan Phượng (Hà Nội); Cao Xuân Nguyên, trú tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội); Nguyễn Văn Hà, ở huyện Thạch Thất (Hà Nội); Phạm Văn Giang, trú tại quận Nam Từ Liêm và Nguyễn Tấn Hiếu, trú tại quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.
Trước đó, Báo CAND đã thông tin, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và đồng chí Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Phòng điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục cảnh sát hình sự) đã triệt phá đường dây đánh bạc trên mạng internet với quy mô lớn ở các tỉnh, dưới hình thức game đổi thưởng với tổng số tiền 20 nghìn tỷ đồng do 2 đối tượng Nguyễn Thị Hương Ly và Nguyễn Đức Mạnh cầm đầu.
Ngày 6-5, 20 tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các đơn vị địa phương đồng loạt thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp, triệu tập các đối tượng tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Lào Cai.
Quá trình khám xét, cơ quan Công an đã thu giữ: 220 triệu đồng, 2 xe ô tô hạng sang, 36 điện thoại di động; 6 máy tính, nhiều thẻ ATM của các ngân hàng và các tài liệu khác có liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Đồng thời phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng việc tổ chức đánh bạc qua mạng internet.