Tin 1: Đã xác định động cơ người lạ xông vào hiện trường vụ Hồ Duy Hải
Thông tin mới nhất trên báo Thanh Niên, báo Giao thông cho hay chiều ngày 21/7, hai thanh niên đi xe máy mang biển số 68G... bất ngờ đột nhập Bưu cục Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An)- hiện trường vụ án mạng liên quan đến Hồ Duy Hải và bị bỏ hoang 12 năm qua.
Liên quan đến sự việc này, Công an xã Nhị Thành bước đầu đã xác định được 2 thanh niên này đột nhập Bưu điện Cầu Voi là người từ địa phương khác đến.
Lúc này cả 2 thản nhiên đi vào trong bưu cục, ra nhà vệ sinh để quay clip đưa lên mạng Youtube.
Cũng theo công an xã Nhị Thành xác nhận, một trong 2 người này có tháng đến đây nhiều lần, chủ yếu để quay cảnh sinh hoạt, buôn bán xung quanh bưu điện và khung cảnh về khuya tại nơi này.
Ông Phạm Văn Khéo (trưởng ấp 5, xã Nhị Thành) cũng cho hay công an xã đã gặp và trao đổi với ông xung quanh việc phát hiện 2 thanh niên đột nhập Bưu điện Cầu Voi. Vì không phát hiện ý đồ gì xấu hoặc hành vi nào đáng ngờ nên công an chỉ kêu họ rời đi chứ không lập biên bản sự việc. Ông Khéo cũng đã ký biên bản với nội dung trên và được công an xã ghi nhận.
Tin 2: Diễn biến mới vụ Văn Kính Dương, Hot girl Ngọc Miu
Sáng 24/7, phiên toà xét xử Văn Kính Dương (Hoàng "Béo"), Vũ Hoàng Anh Ngọc (Ngọc Miu) cùng 8 đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận.
Trước đó (ngày 23/7), sau khi phát biểu quan điểm về vụ án, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Văn Kính Dương mức án tử hình. Liên quan vụ án, bị cáo Nguyễn Bá Thành, Nguyễn Đắt Huy, Nguyễn Thu Huyền, Phạm Thị Thu Huyền cùng bị đề nghị mức án chung thân. Riêng Vũ Hoàng Anh Ngọc bị đề nghị án 15-16 năm tù về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Tại phiên tòa sáng nay, Dương trình bày, bản thân và Quân, Mang, Nam đều thừa nhận Nam chính là Tom nhưng VKS vẫn xác định Dương là người cầm đường dây là không hợp lý. Bị cáo còn yêu cầu HĐXX cần phải làm rõ vai trò của Tú, Linh.
>> Xem thêm: Thu giữ nhiều tài liệu, tiền tỷ tại nhà Đường Nhuệ: Thái Bình xử 'không có vùng cấm'
Cũng trong phiên xử ngày 23/7, tại phần tranh luận, luật sư bào chữa cho Dương, Ngọc, Mang và Nam cùng đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra lại vụ án. Các luật sư cho rằng cần xác định lại khối lượng ma tuý các bị cáo phạm tội, cùng với đó là vai trò trong đường dây của Nam.
Nói lời sau cuối, bị cáo Ngọc bày tỏ sự biết ơn VKS đã đề nghị mức án nhẹ. Ngọc nói tất cả bị cáo ở đây đều chỉ mong nhận được sự khoan hồng.
Theo Ngọc, thời gian tạm giam đã nhận thức ra được vấn đề này, những đứa trẻ không có tội, rất cần sự quan tâm của cha mẹ, xin HĐXX xem xét mức án nhẹ nhất cho tất cả các bị cáo.
Các bị cáo nữ còn lại đều khóc xin lỗi con, người thân và mong được khoan hồng.
Tin 3: Cảnh giác mánh khóe lừa đảo mua bán tiền giả ở Tuyên Quang
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang vừa điều tra làm rõ hành vi mua bán tiền giả qua mạng xã hội đối với Nguyễn Thị H. (SN 1993, trú tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Tại cơ quan công an, H. khai được một người mời mua tiền giả qua mạng xã hội với tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật đổi lấy 4 triệu đồng tiền giả mệnh giá 100 nghìn đồng và 1 triệu đồng tiền thật đổi lấy 6 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500 nghìn đồng.
Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm gần đây, tội phạm làm, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả ngày càng phức tạp với tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi. Sự phát triển của công nghệ sao, chụp, xử lý hình ảnh và mạng xã hội Facebook, Zalo… được các đối tượng phạm tội lợi dụng triệt để để sản xuất, rao bán, kinh doanh tiền giả.
Mệnh giá của tiền giả rất đa dạng, từ 50 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng, kèm theo những lời quảng cáo hấp dẫn đã thu hút nhiều người dân thiếu hiểu biết về pháp luật và hám lợi. Những kẻ buôn bán tiền giả thường để lại số điện thoại tư vấn và giao dịch để đảm bảo bí mật, tránh sự chú ý của các cơ quan chức năng.
Cũng với thủ đoạn bán tiền giả, một số kẻ lừa đảo khách hàng lấy tiền đặt cọc. Theo đó, khi khách hàng ngỏ ý có nhu cầu mua tiền giả, chúng buộc người mua phải đặt cọc trước 30% hay 50% số tiền giao dịch. Nhiều người vì lòng tham, lợi nhuận trước mắt đã chuyển tiền trước nhưng không nhận được tiền giả như thỏa thuận. Tiền thật mất, tiền giả cũng không có.
Tin 4: Phạt đến 20 triệu đồng người xé đăng ký kết hôn
Theo quy định hiện hành, Đăng ký kết hôn là một trong những loại giấy tờ hộ tịch. Khoản 3 Điều 36 Nghị định 110/2013/NĐ-CP nêu rõ, từ 1/9, hành vi hủy hoại giấy tờ hộ tịch hay xé đăng ký kết hôn sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.
Tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã tăng mạnh mức phạt với hành vi này. Khoản 4 Điều 45 Nghị định quy định, cá nhân xé giấy đăng ký kết hôn sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, Giấy đăng ký kết hôn bị xé sẽ bị tịch thu.
>> Xem thêm: Xuất hiện chi tiết lạ từ 'đứa con tinh thần' của ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Mức phạt từ 10-20 triệu đồng cũng được áp dụng đối với hành vi lợi dụng đăng ký hộ tịch hoặc trốn tránh nghĩa vụ đăng ký hộ tịch nhằm hưởng chế độ, Chính sách ưu đãi hoặc nhằm mục đích trục lợi khác; Đăng ký khai tử cho người đang sống; không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi…
Cũng theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi “cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn” sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.