Tin mới

Tin tức pháp luật 24h: Đường Nhuệ từ chối giảm nhẹ án, Bắt đối tượng trộm cắp cổ vật

Thứ ba, 18/08/2020, 12:06 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h ngày 18/8/2020: Đường Nhuệ từ chối giảm nhẹ án, một mực đòi bồi thường dù bị hại không nhận; Khởi tố các đối tượng trong đường dây trộm cắp cổ vật...

Đường Nhuệ từ chối giảm nhẹ án, một mực đòi bồi thường dù bị hại không nhận

Sáng 18/8, TAND thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình mở phiên sơ thẩm, xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, tức Đường Nhuệ ) về tội "Cố ý gây thương tích". Bị hại trong vụ án này là anh Mai Thế Duy, 32 tuổi.

Tại phiên toà, anh Duy nói không đồng ý với nội dung bản cáo trạng, anh khẳng định mình đang ngồi bị Đường Nhuệ đánh chứ không phải bị đánh trong lúc di chuyển.

Bị hại Duy cũng khẳng định với HĐXX rằng không yêu cầu bồi thường đối với bị cáo Đường.  Tại phiên toà, khi HĐXX hỏi về việc có cần để 2 luật sư bào chữa hay không? Đường Nhuệ nói: Bị cáo nhận thức rất rõ hành vi vi phạm pháp luật mà mình đã làm. Đồng thời, Đường Nhuệ nói rằng không cần 2 luật sư bào chữa tại phần đầu để tránh làm mất thời gian của HĐXX.

Mặc dù bị hại không cần bồi thường nhưng Đường Nhuệ vẫn muốn được bồi thường 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nguyễn Xuân Đường còn khẳng định: "không cần giảm nhẹ hình phạt".

Khởi tố các đối tượng trong đường dây trộm cắp cổ vật

Ngày 18/8, cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can 3 đối tượng Nguyễn Văn Huy (SN 1982; HKTT: Lương Tài, Văn Lâm, Hưng Yên), Nguyễn Văn Hậu (SN 1990; HKTT: Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam) để điều tra hành vi trộm cắp tài sản và Nguyễn Văn Toàn (SN 1965; HKTT: 391 Kim Ngưu, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng) để điều tra về hành vị tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ trộm cổ vật quý hiếm ở các đình, chùa, cơ sở thờ tự… Đây không chỉ là những tài sản có giá trị cao về mặt thẩm mỹ, kinh tế mà còn là những bảo vật vô giá của nhà chùa trong không gian tín ngưỡng. Xác định tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ án, lãnh đạo CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xác minh các đối tượng gây án.

Rạng sáng ngày 7/8, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt quả tang Toàn cùng đồng bọn đang mua bán, trao đổi cổ vật trộm cắp được.

Tang vật thu giữ là một bao tải bên trong có nhiều cổ vật như lá đề bằng gỗ, cùng nhiều cổ vật khác chuyên dùng để trưng bày nơi thờ tự, tín ngưỡng.

Việc trộm cắp được Huy và Hậu phân công rõ ràng nhiệm vụ cũng như cách thức gây án, nhằm tránh bị cơ quan Công an, người dân phát hiện, điều tra truy bắt. Số tiền từ việc 2 đối tượng này bán cố vật cho Toàn được chia đôi, chúng “nướng” vào các chiếu bạc và ma tuý.

Ca sĩ Lý Hải bị nhà thơ khởi kiện vì bài hát trong phim Lật mặt 4

Ngày 18/8, Tòa Kinh tế (TAND TP.HCM) mở phiên xét xử vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nhà thơ Trương Minh Nhật và Công ty TNHH Lý Hải Production.

Ngay khi khai mạc phiên tòa, HĐXX thông báo, đại diện của Công ty TNHH Lý Hải Production (công ty của ca sĩ Lý Hải) vắng mặt và có đơn xin hoãn xét xử.

Ca sĩ Quách Beem - người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng không có mặt tại tòa.

Trình bày quan điểm trước tòa, ông Nhật cho biết bản thân luôn cố gắng có mặt tại tòa để giải quyết vụ kiện nhưng bị đơn luôn vắng mặt từ lúc hòa giải cho đến phiên xét xử công khai.

Trong đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện mới nhất, nhà thơ Trương Minh Nhật đã rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với khoản bồi thường thiệt hại do sử dụng bài thơ Gánh Mẹ từ 4 tỷ đồng xuống còn 825 triệu đồng.

Trước việc vắng mặt của bị đơn, sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại vào sáng 3/9.

Ca sĩ Lý Hải khẳng định mình đã làm đúng trình tự pháp luật: Xin phép, làm giấy tờ mua bán tác quyền với chủ sở hữu của ca khúc đã được đơn vị có thẩm quyền công nhận.

Theo giấy chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quách Beem là tác giả duy nhất của “Gánh mẹ”.

Biến tướng đa cấp, rửa tiền từ mua bán lan

Công an tỉnh Bình Phước ngày 13/8 chỉ rõ, việc “thổi giá” lan được các nhóm đối tượng chuẩn bị, lên kế hoạch rõ ràng và có hệ thống. Ví dụ, một nhóm nâng giá trị, dẫn dụ người khác mua đầu tư và giới thiệu cho người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn.

Quá trình mua đi bán lại nhiều lần đến khi giá đạt đỉnh, nhóm này sẽ rút, không mua lại nữa. Hậu quả, người mua cuối cùng phải chi số tiền lớn nhưng không bán lại được cho ai.

Trường hợp khác, các đối tượng trong cùng một nhóm sẽ giao dịch, mua bán hoa lan với nhau đến khi bán được cho người ngoài nhóm, các đối tượng này ăn chia, hưởng lợi.

Công an tỉnh Bình Phước nhận định, các hoạt động giao dịch, mua bán, trao đổi diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận giữa các bên nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp về sau và việc mua bán với số tiền lớn, không có sự kiểm soát đang có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật.

Cuối tháng 7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang ra văn bản xác định, các hoạt động liên quan mua bán hoa lan đang tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Bởi lẽ, giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ là cơ hội cho hành vi thổi giá, gây hấp dẫn giả để dụ người chơi mới, kém hiểu biết tham gia.

Các hoạt động mua bán, giao dịch hoa lan tự phát, không có kiểm soát từ cơ quan chức năng, có nguy cơ biến tướng thành hoạt động đa cấp hoặc rửa tiền. Do không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng hoa lan nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news