Livestream gia đình Tuấn 'khỉ' là phạm luật
Sau khi Lê Quốc Tuấn (SN 1987) bị Công an TP HCM tiêu diệt, hàng chục Youtuber đã kéo đến căn nhà hoang nơi Tuấn từng ẩn náu để quay clip đăng lên youtube.
Nhẫn tâm hơn, họ còn chầu chực trước căn nhà của gia đình Tuấn (huyện Củ Chi) để chờ gia đình mở cửa là quay clip hoặc phát sóng trực tiếp lên mạng xã hội.
Việc làm này của nhiều youtuber đã bị gia đình, hàng xóm của Tuấn phản ứng vì người gây ra tội đã không còn, chỉ còn người thân của Tuấn, mà họ là những người vô tội. Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP HCM) đã trao đổi với Báo Người Lao Động về vấn đề này.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, kẻ thủ ác đáng ngàn lần chết và thực tế cũng đã trả giá bằng mạng sống của mình. Điều ấy là tương xứng, ở góc độ khác thì đó là lẽ công bằng. Tất nhiên không phải mọi trường hợp mạng phải đổi mạng.
Gia đình, cha mẹ, vợ con của Tuấn nếu không liên quan đến hành vi phạm tội của Tuấn, không giúp đỡ hoặc che giấu sau khi Tuấn phạm tội và bị truy nã, thì phải được đối xử như những công dân bình thường.
Liên quan đến pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng hành vi đăng các hình ảnh cá nhân mà chưa được phép của người bị đăng thì đó là sự vi phạm pháp luật. Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rất rõ ở điều 38 về quyền này.
Điều này đồng nghĩa những hành vi sai trái kia hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý để yêu cầu bồi thường.
Tiếp tục truy tố ông Đinh La Thăng trong dự án Ethanol Phú Thọ
Theo tin tức từ Người Lao Động, Tri thức trực tuyến, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), và 9 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB (Ethanol Phú Thọ).
Kết quả điều tra cho thấy năm 2007, ông Đinh La Thăng thay mặt HĐQT PVN ký nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ.
Cuối năm 2007, Công ty cổ phần hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.
Thông qua đấu thầu rộng rãi, tháng 8/2008, PVB và Công ty cổ phần thiết kế Công nghiệp hoá chất (CECO) ký hợp đồng về tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình và hồ sơ mời thầu. Tháng 2/2009, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVB ký quyết định phê duyệt xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu khu vực phía Bắc tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng với nguồn vốn gồm vốn sáng lập và vốn vay; thời gian thực hiện dự án 18 tháng, dự kiến tháng 10/2010 đưa vào sử dụng.
Căn cứ công văn chỉ đạo của ông Thăng và nguyên lãnh đạo PVN, tháng 6-2009, Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí ra quyết định chỉ định thầu cho liên danh PVC và ký hợp đồng EPC, chi hàng ngàn tỉ đồng cho dự án. Trong quá trình thực hiện, do liên danh PVC/Alfa không đủ năng lực nên dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công từ tháng 3-2013, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn.
Vĩnh Phúc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống COVID-19
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố (đơn vị) trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung, các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, đề nghị các đơn vị tăng cường trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của người đứng đầu các đơn vị trong các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 tại địa bàn, đơn vị mình phụ trách; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh Vĩnh Phúc, các khuyến cáo của Bộ Y tế, Sở Y tế Vĩnh Phúc nhằm đạt hiệu quả tối đa trong công tác phòng chống dịch.Tỉnh quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện các biện pháp phòng chống như: Phun thuốc khử trùng, sát khuẩn, đeo khẩu trang; hạn chế hội họp, tổ chức tập trung đông người, kiểm soát các trường hợp đến giao dịch, làm việc để xác định biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh theo đường dây nóng; phát ngôn cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh theo đúng thẩm quyền, quy định của tỉnh, đảm bảo tính chính xác.
Đối với người lao động cư trú tại địa bàn có dịch, thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm xem xét, bố trí phương thức làm việc phù hợp. Trường hợp cần thiết có thể tạm thời cho nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh.
Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên chỉ đạo thực hiện cách ly vùng dịch tại xã Sơn Lôi; kiểm soát chặt việc giao tiếp, làm việc giữa các cán bộ công chức, viên chức, người lao động của xã Sơn Lôi đối với người đến từ các địa phương khác hoặc từ vùng không có dịch bệnh để tránh nguy cơ lây lan...
Công an Hà Nội cảnh báo về hacker phát tán mã độc qua tin Covid-19
Ngày 16/2, Công an thành phố Hà Nội thông báo, qua công tác nắm tình hình, các đơn vị nghiệp vụ phát hiện hành vi phát tán mã độc ẩn dưới các tập tài liệu liên quan đến virus Covid-19. Các mã độc này cho phép hacker làm hư hại thiết bị, chỉnh sửa hoặc sao chép dữ liệu, thậm chí can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính của người dùng.
Các chuyên gia nghiên cứu mã độc dự đoán, số mã độc được phát tán dựa trên thông tin về virus Covid-19 sẽ ngày càng tăng cao do đây đang là chủ đề nóng.
Hacker sử dụng thông tin sốc, không chính xác về Covid-19 như mồi nhử để phát tán mã độc dưới nhiều định dạng.
Để tránh trở thành nạn nhân, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo tránh truy cập các liên kết nghi vấn liên quan tới virus Covid-19, trừ những thông tin được đăng tải bởi cơ quan chính thống và từ những nguồn đáng tin cậy.
Khi nhận được tập tin đính kèm, cần chú ý phần mở rộng của tập tin tải xuống, cẩn thận với những tài liệu và tệp video có định dạng “.exe” hoặc “.lnk”.
Ngoài ra, người dùng nên chủ động trang bị những giải pháp bảo mật, cài đặt phần mềm diệt vi rút để tránh mối đe dọa từ mã độc, nâng cao khả năng bảo vệ hệ thống thông tin trên mạng.