Mỹ công bố hình ảnh đường bay máy bay không người lái bị Iran bắn hạ
Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hình ảnh trên mà không đưa giải thích nào. Trước đó, một quan chức Mỹ khẳng định chiếc máy bay không người lái bị Iran bắn hạ là MQ-4C Triton của hải quân Mỹ trong không phận quốc tế trên eo biển Hormuz nhưng không cung cấp chi tiết, theo Reuters. MQ-4C Triton có thể bay liên tục 24 giờ ở tầm cao hơn 16 km và có tầm hoạt động hơn 15.000 km.
"Tôi nghĩ có lẽ Iran đã phạm sai lầm. Tôi sẽ tưởng tượng đó là một vị tướng hay ai đó đã phạm lỗi khi bắn hạ chiếc máy bay", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
"Không có ai trên máy bay cả. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn, hãy để tôi nói với các bạn, nó sẽ tạo ra một khác biệt rất lớn nếu như máy bay có phi công", ông Trump nói khi gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại phòng Bầu Dục.
"Thật khó tin khi đó là sự cố ý, nếu bạn muốn biết sự thật", ông Trump nói thêm. Tổng thống Mỹ cho rằng vụ này do một người nào đó hành động "ẩu và ngu ngốc" thực hiện và vụ việc này chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh".
Philippines từ chối điều tra chung vụ đâm tàu trên Biển Đông với TQ
"Sẽ không có cuộc điều tra chung. Trung Quốc và Philippines sẽ tiến hành các cuộc điều tra tương ứng của mình", Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết trên tài khoản Twitter của mình ngày 21/6.
Trong cuộc họp báo ngắn ngày 20/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đề xuất cuộc điều tra chung về vụ va chạm giữa một tàu Trung Quốc với tàu Philippines gần bãi Cỏ Rong hôm 9/6. Vụ va chạm khiến 22 ngư dân Philippines trôi nổi trên biển và được một thuyền viên Việt Nam giải cứu.
Hai quốc gia "có thể trao đổi những phát hiện tương ứng và xử lý vấn đề một cách hợp lý thông qua tham vấn thân thiện" bằng việc điều tra chung vụ việc, quan chức Trung Quốc nói.
Đêm 9/6, tàu F/B Gimver 1 của Philippines đang neo đậu thì bị một tàu cá Trung Quốc va vào, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết. Sau đó, tàu cá Trung Quốc đã bỏ chạy, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines mắc kẹt trên biển. Cuối cùng, họ được một tàu cá Việt Nam giải cứu.
Lời hứa của Tập Cận Bình khi thăm chính thức Triều Tiên
Ông Kim nói chuyến thăm của ông Tập là điều tối quan trọng để cho thế giới thấy tình hữu nghị không thay đổi giữa hai nước. Chuyến thăm lần này có thể thấy Trung Quốc mang đến sự hỗ trợ mới cho nền kinh tế đang chịu sự trừng phạt và loạng choạng của Triều Tiên. Bắc Kinh hiện là đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng.
Trong cuộc gặp gỡ, ông Tập hứa giúp Triều Tiên “giải quyết các mối lo ngại an ninh chính đáng và phát triển kinh tế”. Nhà lãnh đạo khẳng định Bắc Kinh sẽ đóng vai trò tích cực, xây dựng trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy Hòa Bình và ổn định lâu dài trong khu vực này.
Chủ tịch Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã đồng ý rằng một thỏa thuận chính trị về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một "xu hướng không thể tránh" và họ cần tiếp tục bám sát các cuộc đàm phán hòa bình, theo Tân Hoa xã. Hai nhà lãnh đạo đồng ý phải có sự liên lạc chiến lược chặt chẽ và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Ngày 20/6, ông Tập đã ca ngợi những nỗ lực của Bình Nhưỡng đối với phi hạt nhân hóa và nói rằng thế giới hy vọng Triều Tiên cùng với Mỹ có thể đàm phán với nhau và đạt được thành công.
Cựu chủ tịch Interpol thừa nhận ăn hối lộ hơn 2 triệu USD
Truyền Thông nhà nước Trung Quốc đưa tin phiên tòa diễn ra tại Thiên Tân sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày mai, 21/6.
Ông Mạnh Hoành Vỹ, người Trung Quốc đầu tiên đứng đầu tổ chức Interpol đã biến mất trong chuyến đi từ Pháp trở về Trung Quốc vào tháng 9/2018. Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó xác nhận ông này đã bị bắt giam trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Vợ ông Mạnh, hiện đang ở Pháp cho biết các cáo buộc chống lại chồng bà là có động cơ chính trị. Vào tháng 5, bà này đã được cấp tị nạn chính trị ở Pháp vì lo sợ bà và các con sẽ bị bắt cóc.
Mạnh Hoành Vỹ, 65 tuổi, sống tại Pháp đã từ chức chủ tịch Interpol sau khi bị chính quyền Trung Quốc bắt giam. Sự biến mất của ông Mạnh vào tháng 9 đã khiến quốc tế quan ngại.
Vào tháng 10, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết Mạnh Hoành Vỹ đang bị điều tra vì nghi ngờ nhận hối lộ. Ông này đã bị khai trừ khỏi đảng, tước bỏ tất cả các vị trí trong chính phủ, theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI).
Rộ tin tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Biển Đông
Theo tờ South China Morning Post ngày 20.6, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho hay đang theo dõi sát sao hành trình của nhóm tàu sân bay Trung Quốc di chuyển vào Biển Đông. “Lực lượng phòng vệ đã tiến hành mọi hoạt động tình báo cần thiết để nắm toàn bộ thông tin về hành trình của nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh, gồm các tàu hộ tống và máy bay, trong suốt hành trình tại khu vực”, Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố trong thông cáo đưa ra hôm qua nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.Trước khi đi vào Biển Đông, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã đi qua eo biển Miyako, nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản hôm 11/6.
Giới chức quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu sân bay được hộ tống bởi 5 tàu chiến, trong đó có 2 tàu hộ vệ và 2 tàu khu trục mang tên lửa. Bắc Kinh tuyên bố hoạt động lần này của tàu sân bay Liêu Ninh “nằm trong chương trình huấn luyện thường xuyên, phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng quyền tự do hàng hải của Trung Quốc.
Tuy nhiên, báo chí Đài Loan dẫn lời nguồn tin giấu tên tiết lộ rằng sau khi rời eo biển Miyako nhóm tàu sân bay đã đi vào vùng biển tây Thái Bình Dương, tiến gần đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen, và Philippines trước khi vòng ngược vào Biển Đông. Theo giới quan sát, hành trình này được xem là mang tính biểu tượng chứng tỏ hải quân Trung Quốc đủ sức vượt qua “chuỗi đảo thứ nhất”, khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc trải dài từ phía bắc Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia, để vươn ra biển xa. Bên cạnh đó, CNA dẫn các nguồn tin suy đoán nhiều khả năng tàu sân bay Liêu Ninh sẽ có hoạt động tại khu vực các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa chủ quyền Việt Nam.