Tờ National Interest của Mỹ nhận định cả Mỹ và Trung Quốc cần lui một bước để đạt được những hiệu quả tích cực thay vì dùng phán quyết của PCA về Biển Đông để đay nghiến Bắc Kinh, làm leo thang căng thẳng như hiện nay.
Phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài thường trực ở The Hague về vụ kiện Biển Đông đã tạo ra một thất bại gần như toàn diện cho Trung Quốc. Trong khi rất nhiều người mong đợi Philippines sẽ chiến thắng nhưng lại không ai đoán được rằng Trung Quốc sẽ thảm bại tới như vậy.
Có thể hiểu Trung Quốc đã đưa ra một lập trường cứng rắn và kiên quyết chống lại Tòa. Hăm hở cho thấy quyết tâm bảo vệ những "pháo đài" đã xây trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc đã đưa 2 máy bay dân sự hạ cánh xuống Đá Vành khăn vào ngày 13/7. Bắc Kinh còn tiến hành 2 cuộc tập trận gần đảo Hải Nam - một đợt diễn ra ngay trước phán quyết ngày 12/7 và đợt còn lại là một tuần sau đó - phong tỏa các khu vực hàng hải và cảnh báo người đi biển rằng khu vực này đã bị cấm.
Hiện nay có một khả năng dễ nhận thất đó là căng thẳng sẽ leo thang tại Biển Đông. Cho rằng Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết với tất cả các thực thể ở quần đảo Trường Sa không phải đá cũng không phải đảo nửa chìm nửa nổi, Mỹ hiện nay đang có sự yểm hộ của pháp luật để thực hiện chiến dịch tự do hàng hải FONOP gần hoặc thậm chí là trong vùng 12 hải lý quanh các thực thể trên biển. Vào tháng 6, bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves le Drian cho biết Pháp sẽ hối thúc các nước trong Liên minh châu Âu thực hiện các cuộc tuần tra "thường xuyên và rõ ràng" tại Biển Đông. Việc Trung Quốc tức giận trước những thách thức công khai như thế này có thể dẫn tới một cuộc xung đột không phải đã qua suy tính thiệt hơn mà là từ sự leo thang bất ngờ.
Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Creative Commons |
Bất kể phán quyết có như thế nào, Trung Quốc vẫn khăng khăng giữ lập trường tại Biển Đông. Vào tháng 2, người ta phát hiện ra Trung Quốc lắp đặt radar tần số cao tại đá Châu Viên và có thể còn có một số radar trên đá Gaven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma. Các cơ sở vật chất như thế này có thể giúp Trung Quốc kiểm soát một vùng rộng lớn tại Biển Đông. Ba đường băng dài 3.000m ở Trường Sa được dùng để bảo vệ các tàu ngầm tiên tiến của Trung Quốc đóng quân tại đảo Hải Nam. Được triển khai tới Biển Đông, các tàu ngầm lớp Jin với trang bị tên lửa hạt nhân JL-2 có thể đột nhập vào Thái Bình Dương, đạt được tầm tấn công vào nước Mỹ. Với vị trí chiến lược như vậy - cộng thêm chủ nghĩa dân tộc và sự trẻ hóa từ một "thế kỷ bị bẽ mặt" - việc Bắc Kinh từ bỏ tài sản của mình tại quần đảo Trường Sa là điều không thể.
Tòa trọng tài không thể quyết định được vấn đề chủ quyền. Trong khi tuyên bố quyền lịch sử của Trung Quốc đối với "đường 9 đoạn" là không phù hợp với UNCLOS, tòa lại không thể kết luận rằng đường 9 đoạn này là không hợp lệ hay bất hợp pháp. Điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các yêu sách của mình. Trong phản ứng quyết liệt, rõ ràng nhất đối với phán quyết, ông Wang Junmin, phó chủ nhiệm khoa tại viện Sau đại học CPS lưu ý rằng Philippines đã sử dụng cụm từ "các quyền lịch sử" (historic rights) của Trung Quốc để lập luận Trung Quốc không tuyên bố "danh nghĩa lịch sử" (historic title) đối với Biển Đông. Viết trên tờ PLA Daily ngày 18/7, ông Wang cho rằng việc Trung Quốc đưa ra "quyền lịch sử" không có nghĩa là Trung Quốc không tuyên bố "danh nghĩa lịch sử". Ông này nói thêm rằng Trung Quốc có "danh nghĩa lịch sử" và "các quyền đánh bắt lịch sử" ở những khu vực khác trong đường 9 đoạn.
Bằng cách tuyên bố Trung Quốc có "danh nghĩa lịch sử" đối với vùng biển nội tại trong "một quần đảo hoặc một nhóm đảo" ở "khoảng cách tương đối gần" và có thể được xem là "tổng thể được hợp nhất lại", Trung Quốc có thể vẽ những đường cơ sở quanh các thực thể mà họ chiếm đóng tại Trường Sa và tuyên bố yêu sách với vùng biển mở rộng bên ngoài. Một lập trường đã được tôi cứng như thế này trực tiếp chống lại những phán quyết của tòa và có khả năng bị Mỹ thách thức.
Tuy nhiên, đã đến lúc để cả Mỹ và Trung Quốc rút lui khỏi miệng vực này. Các dấu hiệu như vậy cho đến nay vẫn được khuyến khích. Chính phủ Trung Quốc đã không công khai kêu gọi tẩy chay hàng hóa Philippines (Tân Hoa xã gọi đó là "yêu nước không hợp lý"). Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ sẽ tăng cường các cuộc đàm phán để đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Mỹ đã kêu gọi nối lại đàm phán song phương giữa Trung Quốc và các bên liên quan, khuyến khích họ không hành động gây hấn.
Tương tự, Philippines đã phản ứng một cách hợp lý. Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng ông sẽ không chấp nhận quan điểm "phô trương hay chế nhạo" Bắc Kinh.
Về trung hạn, phương pháp tốt nhất không phải là công kích Trung Quốc bằng bản án 501 trang mà cần đảm bảo nó có đủ khả năng để mang lại kết quả thiết thực. Các biện pháp có thể bao gồm những cuộc đàm phán đẩy nhanh tốc độ để đạt được COC, mở rộng bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) để hoãn đàm phán trực tiếp với Trung Quốc.
Nói chuyện với người đồng cấp Mỹ, Đô đốc Wu Shengli, tư lệnh Hải quân PLA nhấn mạnh sẽ không bao giờ hy sinh chủ quyền và lợi ích của nước này tại Biển Đông và sẽ không bao giờ ngừng xây dựng cũng như mất cảnh giác tại đó. Tuy nhiên, ông này đã bày tỏ rằng cả 2 nước có thể hợp tác theo CUES và Quy tắc hành vi an toàn khi chạm trán trên không và trên biển.
Làm việc để đạt được những kết quả thiết thực và không đay nghiến Trung Quốc về phán quyết nữa có thể là cách tốt nhất hướng đến.
Bảo Linh (National Interest)