(Tinmoi.vn) "Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế".
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, tại Naypyitaw, Myanmar vừa diễn ra phiên họp toàn thể. Tại phiên họp này, nguyên thủ các quốc gia thành viên – cũng là trưởng đoàn đại biểu của nước đó, trình bày phát biểu của mình.
Trong bài phát biểu bày tỏ quan điểm của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành phân nửa thời gian nêu vấn đề Biển Đông, với những ngôn từ mạnh mẽ.
Toàn văn phát biểu:
Thưa Tổng thống U Thên Sên, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 2014,
Thưa Quốc vương,Thưa các vị đồng nghiệp,
Trước hết, tôi xin cám ơn các vị đã đón tiếp chu đáo và xin chúc mừng Mi-an-ma trên cương vị Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên. Việt Nam sẽ luôn hợp tác và ủng hộ Mi-an-ma hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN. Theo chủ đề của Hội nghị, tôi xin chia sẻ một số ý kiến sau:
1. Về lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN
Tôi đánh giá cao Báo cáo của ngài Tổng Thư ký về các hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tôi cho rằng chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn nữa, tập trung vào một số trọng tâm sau:
Thứ nhất, mỗi quốc gia và cả khu vực đều phải nỗ lực thực hiện đúng thời hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng. Cùng với việc đẩy mạnh chất lượng của gần 80% dòng hành động đã và đang được triển khai, ASEAN cần ưu tiên thực hiện 20% phần còn lại. Tôi ủng hộ việc thông qua Tuyên bố Nay-pi-tô về xây dựng Cộng đồng ASEAN làm văn kiện định hướng cho các hoạt động trong năm 2014.
Thứ hai, về hòa bình và an ninh khu vực. Tôi xin nhấn mạnh vấn đề Biển Đông.
Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Từ ngày 1/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với Luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Chúng tôi trân trọng cám ơn và khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Việt Nam đề nghị ASEAN khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, phải đặc biệt tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Theo đó, Việt Nam đề nghị đưa các nội dung nêu trên về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Việt Nam cũng đánh giá cao việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ngày 10/5/2014, đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.
2. Về tương lai Cộng đồng ASEAN
Tôi đánh giá cao thỏa thuận Cấp cao của chúng ta về xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015. Tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ sau:
Thứ nhất, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 phải là sự tiếp nối và phát huy các thành tựu đã đạt được trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015.
Thứ hai, sau khi trở thành Cộng đồng, ASEAN cần hướng tới những mục tiêu liên kết cao hơn trên cả ba trụ cột; phát huy mạnh mẽ vai trò chủ đạo trong cấu trúc khu vực, chủ động thúc đẩy và mở rộng liên kết ở khu vực Đông Á.
Thứ ba, Tầm nhìn sau 2015 phải giúp đưa Cộng đồng ASEAN vì phúc lợi người dân, khơi gợi ý thức cộng đồng và khuyến khích sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân vào tiến trình này.
Thứ tư, ASEAN cần chú trọng củng cố và tăng cường hơn nữa các cơ chế hợp tác nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với những rủi ro, bao gồm cả thiên tai, dịch bệnh, tai nạn,...
Thứ năm, Đề nghị giao Hội đồng Điều phối ASEAN xây dựng kế hoạch kỷ niệm về sự kiện Cộng đồng ASEAN ra đời.
3. Về định hướng quan hệ đối ngoại
Tôi xin đề nghị một số ưu tiên sau:
Thứ nhất, ASEAN cần gia tăng vai trò và hợp tác với các đối tác tại các diễn đàn khu vực; phát huy vai trò chủ đạo trong diễn đàn Đông Á; xây dựng một khuôn khổ các quy tắc ứng xử và hợp tác tương tự như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) mở rộng ra phạm vi toàn Đông Á.
Thứ hai, là điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam đề nghị Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 20 sắp tới cần bàn kỹ việc tăng cường quan hệ đối tác ASEAN-EU, trong đó có đề xuất của EU về tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa Lãnh đạo hai Bên.
Thứ ba, Tôi ủng hộ đề xuất rà soát và đề ra những định hướng chỉ đạo về việc tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Xin cám ơn