Vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong thị trường tôn thép đang làm nước ta đứng trước nguy cơ đánh mất cơ hội vô cùng lớn.
Hiện tượng tôn thép giả vẫn chưa kết thúc
Trong thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng tôn thép đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra với không gian rộng.
Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam, với sức tiêu thụ loại sản phẩm này hiện nay thì hàng năm, người tiêu dùng bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và ngân sách Nhà nước mất đi hàng ngàn tỷ đồng do những chiêu trò gian lận của một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối, đại lý mặt hàng tôn thép phủ màu, mạ màu.
Hội thảo "Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và Quản lý" diễn ra vào ngayd 26/11.
tại Hội thảo "Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và Quản lý" tổ chức ngày 26/11, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, thị trường tôn thép phát triển rất nhanh và đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, tôn thép được tiêu thụ khắp nơi trên đất nước chúng ta, từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi đến các miền rừng núi hẻo lánh, xa xôi.
Tuy nhiên, hiện tượng tôn thép giả xuất hiện trên diện rộng đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến mọi tầng lớp xã hội.
Ông Sưa cho rằng, nếu bằng mắt thường sẽ rất khó xác định được chất lượng của mặt hàng tôn thép mạ và phủ màu. Để xác định được, đòi hỏi phải có các thiết bị chuyên dụng và có trình độ chuyên môn. Theo đó, đại đa số người tiêu dùng chưa nắm được luật pháp về chất lượng, in mẫu mã và chưa ý thức được quyền lợi của mình.
“Trong bối cảnh thị trường như vậy, hiện tượng tôn nhái, tôn giả đã xảy ra trên diện rộng, trong thời gian dài và đến nay vẫn chưa kết thúc”, ông Sưa nói.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều giải pháp đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và người tiêu dùng để hạn chế vấn nạn này
Đừng đánh mất cơ hội lớn
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ngành tôn thép của nước ta đang đối mặt với cạnh tranh từ thép ngoại.
Hiện nay, ngành thép và tôn có công suất khoảng 10 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 6 triệu tấn/năm. Tôn, thép nhập khẩu 1,5 triệu tấn/năm cạnh tranh mạnh với thép, tôn nội. Hơn nữa, các mặt hàng tôn, thép nhập khẩu lợi dụng quy định về thép hợp kim để trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh với tôn, thép nội.
Tôn thép giả đang làm nước ta đứng trước nguy cơ đánh mất cơ hội vô cùng lớn.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho biết, Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU – Việt Nam có thể ký vào quý 1/2015 với nhiều cơ hội và thách thức. Theo đó, 90% hàng hoá xuất khẩu sang EU sẽ hưởng thuế suất 0%, thương mại song phương tăng 30 – 40%.
Đối với cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thép Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường Campuchia, Lào, Myanmar. Riêng Tôn Hoa Sen có thể cạnh tranh được với Thái Lan và Trung Quốc.
Để làm được những điều đó, thép Việt Nam cần phải giữ vững thị trường nội địa như thép xây dựng, tấm lợp, thép cho công nghiệp trợ giúp xe máy, xe hơi… Bên cạnh đó, cần vận dụng có hiệu quả hơn nữa các rào cản kỹ thuật để bảo vệ ngành thép.
Vấn đề hàng giả, hàng nhái trong thị trường tôn thép đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính của các doanh nghiệp, thiệt hại về kinh tế và suy yếu niềm tin người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn làm vẩn đục môi trường kinh doanh, làm xấu hình ảnh quốc gia trong cách nhìn của các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất chân chính, của người tiêu dùng và nền kinh tế quốc gia, cả xã hội cần chung tay để ngăn chặn vấn nạn này.
Phan Thuỷ