Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép tại Biển Đông đang khuấy đảo các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao ASEAN lần thứ 48 tại Malaysia.
Các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ lời kêu gọi Trung Quốc ngưng hoạt động xây đảo do Mỹ đưa ra. Điều này đã chọc giận người đại diện của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng các nước khác không nên nói về xung đột trong các cuộc họp ở Malaysia.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (trái) lắng nghe các thành viên trong đoàn phát biểu tại Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở Kuala Lumpur. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã lên án "hoạt động cải tạo khổng lồ" tại vùng biển tranh chấp.
"Chúng tôi thấy không thể nương tay với các hoạt động đơn phương và hung hăng của người láng giềng phương bắc", ông Rosario nói tại cuộc hội đàm thường niên ASEAN cùng các đối tác thương mại chính của họ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phản pháo lại, cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông bằng cách tiến hành tuần tra và diễn tập quân sự chung với các nước đồng minh trong khu vực.
Trung Quốc xung đột với các nước láng giềng ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được các nhà báo vây quanh tại Kuala Lumpur. Ảnh: AP |
Mỹ và Philippines nên "đếm xem có bao nhiêu đường băng tại Biển Đông và ai là người xây chúng đầu tiên", ông Vương nói.
Quân đội Mỹ đã tăng cường sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines để đáp trả lại lập trường hung hăng của Trung Quốc trong việc đòi yêu sách với hầu hết vùng biển nhiều dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông.
Căng thẳng được thổi bùng lên trong thời gian gần đây khi mà Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, ông Harry Haris bay "tuần tra" khu vực này.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Kasiviswanathan Shanmugam và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại khách sạn Shangri-La, Singapore trước khi các cuộc hội đàm ASEAN diễn ra tại Kuala Lumpur. Ảnh: Reuters |
Một nhóm chuyên gia cố vấn của Washington trong tuần này cho rằng Bắc Kinh có vẻ đang xây dựng đường băng 3.000m thứ hai tại một đảo nhân tạo và có thể được dùng cho mục đích chiến đấu.
Các quan chức tại hội đàm Kuala Lumpur nói rằng bây giờ không hy vọng các quốc gia có liên quan đạt được một bộ quy tắc ứng xử để ràng buộc các bên nhằm giải quyết xung đột nữa.
Từ lâu, Trung Quốc đã nhấn mạnh sẽ chỉ đàm phán tranh chấp trực tiếp với các bên liên quan chứ không thông qua diễn đàn đa quốc gia như ASEAN.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết việc cải tạo trái phép của Trung Quốc đang "làm xói mòn lòng tin giữa các bên và làm phức tạp" các nỗ lực để đi đến một bộ quy tắc ứng xử.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, người đang tham gia hội nghị cũng nói rằng bà sẽ "thể hiện" mối quan ngại của Australia đối với căng thẳng gia tăng tại Biển Đông mặc dù nước này vẫn tiếp tục không đứng về bên nào trong tranh chấp.
Xung đột Biển Đông cũng sẽ được đưa ra trong cuộc họp có sự góp mặt của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, các quan chức Mỹ cho biết.
Bảo Linh (theo smh)