Các nhà khoa học dự đoán, một khe nứt có chiều dài 56km hồi năm 2005 ở châu Phi có thể khởi đầu cho sự hình thành của một đại dương mới trên Trái Đất.
Vào năm 2005, một khe nứt có chiều dài 56 km xuất hiện trong sa mạc Afar thuộc Ethiopia trong vài ngày. Khe nứt có thể chứa đầy 2,5 km khối đá tan chảy – đủ để chôn vùi 42 km vuông khu vực giao thông tấp nập của London bên dưới 60m dung nham.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy một vụ phun trào của núi lửa Dabbahu ở đầu khe nứt đã khiến quá trình đứt gãy diễn ra theo chiều hướng xuống, giống như Trái Đất bị kéo rách toạc. Vành đai núi lửa nằm dọc các mảng kiến tạo dưới đại dương có thể tách rời thành từng mảng lớn ở hai bên vết nứt.
Bắt đầu tiến hành từ năm 2009, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện quá trình hình thành khe nứt giống hệt những gì diễn ra dưới đáy đại dương và hiện tượng tương tự cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mở rộng của Biển Đỏ.
Vết nứt dài 56 km ở sa mạc châu Phi có thể sẽ dẫn tới việc hình thành một đại dương mới trên Trái Đất. |
Tuy nhiên, một bộ phận giới nghiên cứu phản đối giả thuyết này.
Cindy Ebinger, giáo sư khoa học môi trường và Trái Đất tại Đại học Rochester, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta hiểu rõ các đỉnh núi dưới đáy biển được tạo thành do đá nóng chảy tràn vào khe nứt, nhưng chúng ta chưa bao giờ biết một đỉnh núi với chiều dài lớn có thể nứt rộng như thế này".
"Mục đích của nghiên cứu này là nhằm tìm hiểu xem điều đang xảy ra ở Ethiopia có giống với điều đang xảy ra dưới đáy biển không, nơi chúng ta gần như không thể tới được", giáo sư Ebinger nói.
Vết nứt ngày một rộng và dài ra với những đợt phun trào gần đây nhất xảy ra mới hồi tháng 3/2010. Các nhà khoa học đang nghiên cứu khu vực đó tin rằng một đại dương mới đang từ từ hình thành và cuối cùng sẽ tách lục địa châu Phi ra làm hai.
Vết nứt ngày một rộng và dài ra với những đợt phun trào gần đây nhất xảy ra hồi tháng 3/2010. |
Tiến sĩ Tim Wright thuộc Khoa Trái đất và Môi trường, Đại học Leeds, nói: “Quá trình hình thành đại dương thường ẩn sâu bên dưới lòng biển, nhưng ở Afar, chúng tôi có thể đi bộ băng qua khu vực nơi bề mặt Trái đất tách ra xa nhau – điều đó thật sự thú vị”.
Các mảng kiến tạo châu Phi nối với các mảng kiến tạo Arab ở sa mạc Afar và chúng đang tách rời nhau ở tốc độ 2,5 cm một năm trong vòng 30 triệu năm qua. Khi vết nứt đủ lớn, biển Đỏ sẽ tràn vào khu vực mới và tạo ra một đại dương ở vịnh Aden nằm giữa Yemen và Somalia.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, đại dương mới sẽ không xuất hiện ngay lập tức. Quá trình hình thành của một đại dương cần khoảng một triệu năm. Đại dương mới cũng sẽ nối Biển Đỏ với vịnh Aden, một nhánh của biển Ảrập nằm giữa Yemen và Somalia.
Lê Huyền (tổng hợp)