Tại Việt Nam, cây chúc - chanh Thái – chanh Kaffir là cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi nhưng phổ biến như một loài cây đặc hữu vùng Bảy núi – An Giang với tên gọi là cây chúc (cây trúc) hay trúc thơm.
Chanh chúc là cây thân gỗ có độ cao từ nhỏ đến trung bình, cây trưởng thành có thể cao từ 2m đến 10m.
Điểm đặc biệt là cây dễ trồng, không cần chăm sóc vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là trồng ngay sẽ có tiền. Người trồng sẽ cần từ 5-8 năm mới có thể thu hoạch. Vì thời gian thu hoạch lâu nên ít người trồng loại cây này.
Mỗi năm, cây chỉ cho trái 1 lần vào mùa mưa. Mỗi cây có thể cho trái 30-50kg/cây. Cây trồng càng lâu năm thì quả càng nhiều. Với sản lượng như vậy, có cây từng cho nông dân kiếm được 2 triệu đồng/cây, trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn.
Do đặc tính dễ trồng, cây sống rất khỏe, chịu hạn giỏi, lá và quả khá độc đáo, cây cũng được trồng trong chậu làm cảnh tại nhiều gia đình.
Cây chúc có họ với chanh nhưng quả có vỏ xù xì, vị chua, mùi thơm rất lâu. Lá chúc được sử dụng cho món thịt gà hấp hay thái chỉ rắc lên gà luộc; các loại hải sản hấp; xào lăn; làm gỏi... Quả chúc có nước cốt chua gắt, hơi the, dùng để ăn tươi, vắt nước cốt pha nước chấm, khử tanh hải sản hay lòng bò, làm mứt.
Toàn cây chanh chúc có tinh dầu rất thơm nên được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, dược phẩm đến mỹ phẩm, trong đó bộ phận được sử dụng nhiều nhất trên cây là lá, và quả.
Bên cạnh món gà hấp lá chúc, vùng Tri Tôn, An Giang nổi tiếng với đặc sản cháo bò trái chúc, món ăn của sự giao thoa văn hóa tộc người Khmer và người Việt.
Ngoài quả thì lá cũng được mua với giá hơn 200.000 đồng/kg, cây chúc có thế đẹp được người thích chơi cây cảnh mua về trưng bày.