Trung Quốc gần đây đã bí mật tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa mà theo giới chức quốc phòng Mỹ là có khả năng tiêu diệt các vệ tinh của họ.
Tờ The Washington Free Beacon đưa tin, cuộc thử nghiệm đối với tên lửa Dong Neng-3 (DN-3) diễn ra hôm 30/10 ở khu thử nghiệm tên lửa phức hợp Korla, phía tây Trung Quốc.
Chi tiết quanh cuộc thử nghiệm này vãn còn là một bí mật và hiện chưa rõ nó có thành công hay không.
Theo tờ Ming Pao của Hong Kong, "giai đoạn cuối cùng của cuộc thử nghiệm tên lửa đánh chặn được tiến hành ở tầng trên cùng của bầu khí quyển". Tuy nhiên, theo Washington Free Beacon, trong quá khứ, Trung Quốc từng nhiều lần cố gắng che giấu các thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh cũng như tên lửa phòng thủ.
Hình ảnh được cho là tên lửa DN-2 được phóng thử nghiệm từ khu vực bí mật ở khu tự trị Tân Cương. Ảnh: Endtimeheadlines |
Từ năm 2005, Trung Quốc đã tiến hành 8 lần thử tên lửa chống vệ tinh. Cuộc thử nghiệm trong các năm 2010, 2013, 2014 đều dưới danh nghĩa "thử nghiệm tên lửa đánh chặn trên đất liền".
Khả năng phát triển vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc bắt đầu gây được sự chú ý vào năm 2007 khi họ bắn hạ một vệ tinh thời tiết bị hỏng bằng tên lửa. Một tên lửa đạn đạo có tên DN-2 được thử nghiệm năm 2013 đã đạt đến độ cao 30.000 km gần quỹ đạo địa tĩnh.
Giới chức quốc phòng Mỹ khá thông thạo với DN-3 nói với Washington Free Beacon rằng, DN-3 "căn bản là một tên lửa được thiết kế để đâm vào vệ tinh và tiêu diệt chúng, ngay cả khi các đánh giá tình báo cho rằng loại vũ khí này có khả năng phòng thủ tên lửa".
Những thông tin chi tiết về DN-3 vẫn rất khan hiếm. Nhiều khả năng nó là một phiên bản cải tiến của DN-2, một tên lửa đánh chặn quỹ đạo được sản xuất bởi công ty Khoa học Không gia vũ trụ Trung Quốc, nhưng cũng có thể là một loại tên lửa hoàn toàn mới.
Ngay cả thông tin về bệ phóng của DN-3 cũng rất ít.
Ảnh mô phỏng một vụ tấn công vệ tinh trong không gian. Đồ họa: Redspar |
"Trung Quốc gần đây đã phát triển hai bệ phóng không gian mới là KZ-1 và KZ-11. Một tên lửa DN-3 được phóng đi từ bệ KZ-11 sẽ có khả năng đánh trúng mục tiêu ở quỹ đạo cao hơn", phóng viên Bill Gertz nói.
Hồi tháng 3, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách mua sắm Frank Kendall từng cảnh báo rằng uy thế của Mỹ trong lĩnh vực không gian so với Nga và Trung Quốc đang rất tệ, đặc biệt là khả năng chống vệ tinh.
Tuy nhiên, ông Jaganath Sankaran, học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh, thuộc Đại học Maryland, Mỹ cho rằng, khả năng tấn công của vũ khí chống vệ tinh có giới hạn và không thể tạo lợi thế quân sự quyết định trong mọi cuộc xung đột".
"Các vệ tinh quân sự Mỹ bay ở quỹ đạo từ 1.000 - 36.000 km là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Không giống như Mỹ, Trung Quốc rất hạn chế trong khả năng theo dõi vệ tinh và chúng hầu hết chỉ được bố trí trên lãnh thổ nước này", Sankaran giải thích.
Theo báo cáo sắp tới của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc, các loại tên lửa DN-2 và Sc-19 (có thể là cả DN-3) sẽ được Trung Quốc triển khai sớm nhất là vào năm 2020 để tiêu diệt các vệ tinh đi qua lãnh thổ nước này.
Lê Huyền (The Diplomat)