Quân đội Trung Quốc đang gửi những tín hiệu mạnh mẽ cho thấy họ đang tăng tốc để cạnh tranh với Mỹ trong vị trí siêu cường toàn cầu, có một nỗ lực cải cách nhiều mặt để hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân sự.
Một trong những sự phát triển quan trọng nhất là các kế hoạch xây căn cứ quân sự ở nước ngoài - căn cứ đầu tiên của Trung Quốc đương đại - tại Djibouti. Việc xây dựng đã bắt đầu từ tháng trước.
Hiện có một số suy đoán cho rằng Trung Quốc đã đàm phán được một hợp đồng 10 năm, mặc dù họ sẽ không xác nhận chi tiết cho "những cơ sở hỗ trợ quân sự" - theo cách nói rất cẩn thận của Bắc Kinh.
Mục đích được nêu ra là để cung cấp "hậu cần tốt hơn và bảo vệ cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc tại Vịnh Aden, ngoài khơi Somalia và các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo khác của Liên hợp quốc", bao gồm nhiệm vụ chống cướp biển, theo lời của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm.
Căn cứ mới của Trung Quốc sẽ nằm gần căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ tại châu Phi, cũng ở Djibouti.
Đây là một vị trí cực kỳ chiến lược, sẽ cung cấp khả năng lớn hơn để bảo vệ các chuyến hàng chở dầu từ đây và tới bán đảo Ả Rập.
Quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễu hành. Ảnh: CCTV |
Cắt ngân sách, giảm quân số
Ngày 5/3, Trung Quốc tuyên bố ngân sách quốc phòng năm 2016 sẽ tăng 7,6% - thấp hơn mức tăng 2 con số so với những năm trước - nhưng mức tăng thực tế có thể sẽ cao hơn nhiều.
Vào tháng 9/2015, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm 300.000 binh sĩ tại một lễ diễu binh lớn. Ban đầu, con số này không đáng kể so với hơn 2 triệu binh sĩ trong PLA nhưng có các dấu hiệu gần đây cho thấy việc cắt giảm sẽ nhắm tới các quân đoàn sĩ quan, trong đó có cả cán bộ chính trị.
Đây là một phần trong chương trình chuyển đổi lớn hơn trong 2 năm tới để tái cơ cấu quân đội.
Vào tháng 2, 7 vùng chỉ huy quân sự đã được hợp thành 5 (đông, tây, nam, bắc và trung ương); một số cơ quan quản lý vũ khí, hậu cần, nhân sự và chính trị cũng đã được đặt trực tiếp dưới sự quản lý của Ủy ban quân sự Trung ương ĐCS Trung Quốc.
Và Trung Quốc đang có những nỗ lực liên tục để biến PLA từ một đội quân do lục quân thống trị thành một lực lượng mà có sự hợp nhất tốt hơn giữa bộ binh, hải quân ngoại biên, không quân và các đơn vị tên lửa (Lực lượng Tên lửa PLA), tham gia vào các chiến dịch chỉ huy chung.
Đây là những nỗ lực không chỉ để nâng cấp hiệu quả của quân đội mà còn nâng cao vai trò lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc với PLA. Trước đây, PLA được tự chủ hơn.
Buôn bán vũ khí
So sánh hoạt động buôn vũ khí giữa Mỹ và Trung Quốc. Nguồn: Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế |
Trong một thập kỷ trở lại đây, với doanh số bán vũ khí tăng gần gấp đôi, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga. Tháng trước, các chiến đấu cơ J-10 đời cũ của Trung Quốc tại triển lãm Singapore Airshow đã được đặt hàng. Những khách hàng tiềm năng có thể gồm Pakistan, Iran hoặc Syria mặc dù điều này mới chỉ là suy đoán.
Việc có khả năng bán vũ khí không chỉ là một nguồn thu nhập mà còn là dấu hiệu cho thấy sức ảnh hưởng của quân đội và sự lãnh đạo toàn cầu, có thể giúp củng cố các liên minh chính trị.
Trung Quốc cũng đã mua được chiếc tàu sân bay duy nhất của mình bằng cách trang bị thêm một tàu sân bay cũ của Liên Xô. Vào năm 2012, chiến đấu cơ J-15 đã hạ cánh thành công trên tàu sân bay này. Trung Quốc cũng đang cố gắng để xây dựng tàu sân bay bản xứ thứ hai.
Đây thường được xem như dấu hiệu cho thấy họ sẽ phát triển lực lượng hải quân nước xanh (một lực lượng có khả năng hoạt động ở khắp các vùng biển mở). Tại thời điểm thu mua tàu sân bay đầu tiên, điều này dường như không hợp lý nhưng giờ đây, cần xem xét lại vì việc chuyển dịch cơ cấu để cho phép chỉ huy chung.
Bên ngoài đường biên
Với mỗi sự phát triển này, Trung Quốc đang cố gắng để tạo ra những đặc điểm mà một siêu cường cần có. Điều này đánh dấu sự thay đổi lịch sử và ý thức hệ đáng kể.
PLA cho đến gần đây vẫn tập trung vào việc bảo vệ biên giới Trung Quốc, một phần là do theo ý thức hệ, Trung Quốc đã từ chối những hoạt động (đặc biệt là duy trì các căn cứ quân sự ở nước ngoài) mà họ coi là phát xít hay quân phiệt.
Những nỗ lực để khôi phục và lấy lại vị thế xứng đáng trên trường quốc tế của Trung Quốc cũng phục vụ như một mục đích trong nước. Điều này cũng vô tình trở thành một trong những tiêu chuẩn cho tính chính đáng, trong phạm vi của Đảng cầm quyền bởi ĐCS Trung Quốc có thể thổi ngọn lửa yêu nước cho người dân.
Những bước phát triển ấn tượng này liệu có cùng với nhau đi ngược với tuyên bố theo đuổi "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc? Có hay không. Rõ ràng, Trung Quốc muốn cạnh tranh với Mỹ và không chỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Họ đã bắt đầu làm vậy từ khu vực bằng cách đòi yêu sách ở Biển Đông và xây "các đảo" để thử phản ứng quốc té đối với những nỗ lực mở rộng lãnh thổ của mình.
Các khả năng vươn xa hơn trong tương lai sẽ do sự chỉ huy chung, các căn cứ ở nước ngoài tạo ra. Tuy nhiên, không thể cho rằng Trung Quốc có ý định trở thành siêu cường trong một ngày.
Điều này không có nghĩa là Trung Quốc muốn một cuộc xung đột ở Biển Đông hay Hoa Đông. Họ có khả năng sẽ mất mát khi chống lại hầu hết kẻ thù trong tương gần, đặc biệt là Mỹ.
Trung Quốc đã không có cuộc chiến nào kể từ năm 1979 và một cuộc chiến hiện đại đòi hỏi thực tiễn khác rất nhiều so với những gì họ đã làm ở Việt Nam. Trong khi đó, sự thiệt hại quân sự lớn là điều mà Đảng cầm quyền Trung Quốc lo.
"Sự trỗi dậy hòa bình" rõ ràng là biện pháp thận trọng: Đảng cộng sản Trung Quốc muốn đất nước trở thành một siêu cường toàn cầu mà không phải tham chiến. Nhưng họ đang đi một con đường nguy hiểm.
Bảo Linh (CNN)