Truyền thông Trung Quốc ngày 25/9 đưa tin Bắc Kinh chuẩn bị triển khai các máy bay không người lái (UAV) tàng hình để giám sát và lập bản đồ những vùng biển và quần đảo đang gây tranh cãi trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Theo nguồn tin, các UAV nội địa của Trung Quốc sẽ khảo sát quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Senkaku trên Biển Hoa Đông và nhiều khu vực ở Biển Đông.
Tờ "Nhân dân Nhật báo" dẫn lời Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ TopRS của Trung Quốc, ông Li Yingcheng nói "thông tin địa chất chính xác là bằng chứng quan trọng" đối với Bắc Kinh.
Một máy bay không người lái của Trung Quốc. |
Cũng theo ông Li, để thực hiện mục tiêu "giám sát các đảo xa", Trung Quốc đã thiết kế 2 hệ thống máy bay không người lái (UAS) - ZC-5B và ZC-10 có thể bao quát toàn bộ các vùng lãnh thổ 80 hải lý và các khu vực trải dài 1.500 hải lý.
Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản cáo buộc nhau tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực.
Liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, ngày 12/7, Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước LHQ về Luật Biển 1982 ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Theo phán quyết của Tòa, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
Phán quyết của Tòa Trọng tài còn khẳng định rằng không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra Tòa còn nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông.
(Theo baotintuc/ TTXVN)