(Tinmoi.vn) Đó là nhận định của ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ tại hội thảo Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 3/7 tại Hà Nội.
Theo ông Thành, Việt Nam đang có một “cuộc chơi” với Trung Quốc mà ở đó, Việt Nam không thể không khai thác.
Người láng giềng to vai hẹp bụng đang “ăn nhiều hơn
“Trong cuộc chơi này, người láng giềng “to vai nhưng hẹp bụng” đang “ăn” được nhiều hơn”.
Lý giải điều này, ông Thành phân tích: “Trung Quốc không chỉ là bạn hàng lớn mà còn đang là chủ thầu ở nhiều dự án khá quan trọng, nhạy cảm trong giao thông, năng lượng ở Việt Nam. Trung Quốc cũng chiếm 1/4 lượng khách du lịch đến Việt Nam. Nền sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc…
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho hay, Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC: 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng (bauxite), cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới…
Ông Võ Trí Thành
Các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia mang nhiều màu sắc chi phối của lợi ích nhóm. Đây là một yếu tố làm gia tăng rủi ro, dẫn đến những sơ hở khiến Việt Nam có thể rơi sâu vào tình trạng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Trong tổng số 62 dự án xi măng triển khai theo hình thức BOT, có 49 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu. Tương tự, tại 27 dự án nhiệt điện diện BOT, có 16 do Trung Quốc làm tổng thầu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - Nguyễn Văn Thụ, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều...
Theo vị này, khi các nước phát triển làm tổng thầu tại Việt Nam, thầu phụ cơ khí trong nước sẽ được giao khoảng 15-20% giá trị công trình, qua đó có điều kiện đầu tư thêm công nghệ, rèn luyện tay nghề. Ngược lại, tổng thầu Trung Quốc sẽ nhận hết, trong khi việc quản lý công trình của bản thân họ cũng còn nhiều luộm thuộm. "Năm 2002, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chỉ một tỷ USD, 10 năm sau, con số này đã lên trên 20 tỷ USD, trong đó một nửa là nhập siêu nhóm thiết bị", ông này thông tin.
Không chỉ có đấu thầu, trong mối quan hệ thương mại, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng phản ánh thời gian dài vừa qua người nông dân Việt Nam bị đối xử không công bằng.
Đối với xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sống dở chết dở do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng. Thương nhân nước này tập cho người nông dân và thương lái Việt Nam cách làm ăn cẩu thả, gian dối, đi vào chất lượng thấp, sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Khi Trung Quốc không mua nữa thì với chất lượng hàng hóa đó cũng không thể bán vào thị trường khác.
Còn đối với nhập khẩu, nông sản từ Trung Quốc có dư lượng chất hóa học rất cao, trong đó có những hóa chất cấm, gây tổn hại sức khỏe của người dân. Việc nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc đã gây áp lực lớn nên nông sản Việt do giá thấp, dù chất lượng kém và không an toàn.
“Trung Quốc không dễ gì tiếp tục gây hấn”
Xác định Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng tới 60% lượng nguyên liệu nhập đó là từ các doanh nghiệp, tập đoàn xuyên quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam.
Do đó, đối với việc chấm dứt bán hàng, theo ông Thành, trước hết Trung Quốc thiệt hại hàng trăm tỷ USD/năm, liên quan chặt chẽ đến việc giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động của nước này ở các tỉnh thành phía Nam… Sau đó, uy tín của Trung Quốc đối với các bạn hàng là các tập đoàn kinh tế quốc tế cũng đổ vỡ.
Dù đang “ăn” nhiều hơn, nhưng không phải vì thế Trung Quốc tuyệt đối an toàn. Rủi ro ngược lại đối với chính quốc gia đang trỗi dậy này”, ông Thành nói.
Tán thành những phân tích này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc và Việt Nam rất đáng chú ý.
Ông Doanh cho hay, 45% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang xuất sang ba tỉnh miền Nam Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc có thể ép giá với gạo Việt Nam nhưng cũng sẽ phải cân nhắc khi định quay lưng.
Về nguồn nguyên liệu Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Doanh dẫn chứng chuyện của tập đoàn Samsung tại Việt Nam. Năm 2013, Samsung Vina xuất được hơn 23 tỷ USD và Trung Quốc khó có thể dừng việc cung cấp nguyên liệu với giá trị gần xấp xỉ cho nhà máy của Samsung tại Việt Nam vì làm như thế vừa mất tiền, tự từ bỏ nguồn lợi vừa tai tiếng với các tập đoàn thế giới.
Nam Nam