(Tinmoi.vn) Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự ngang ngược và vi phạm pháp lý khi thực hiện lệnh cấm đánh bắt đối với các tàu cá trong nước và nước ngoài trong một số khu vực ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong vòng 2 tháng rưỡi kể từ ngày 15/5.
Tân Hoa xã nói rằng, đây là lệnh cấm đánh bắt cá thường niên, áp dụng kể từ năm 1999. Đến năm 2009, vùng cấm đánh bắt này được mở rộng sang phạm vi lãnh hải Việt Nam. Lệnh cấm đánh bắt năm nay sẽ có hiệu lực từ ngày 16.5-1.8.2014.
Hồi đầu năm 2014, Trung Quốc cũng đã đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hết sức phi lý ở Biển Đông, buộc các tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) nếu muốn hoạt động nghề cá tại khu vực mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền, vốn bao phủ gần trọn biển Đông.
Hình ảnh tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông hồi năm 2012
Cũng theo lệnh cấm này, những tàu vi phạm sẽ bị phạt gần 83.000 USD, bị tịch thu dụng cụ đánh bắt và hải sản. Lệnh cấm này đã được thông qua hồi tháng 11.2013 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014, theo AFP.
Hồi đầu năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cũng từng lên án việc áp đặt lệnh cấm phi lý này của Trung Quốc.
“Áp đặt đơn phương lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông như thể cả vùng biển này là của Trung Quốc không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Tôi sợ rằng không chỉ Nhật Bản mà cả cộng đồng quốc tế đều có chung mối quan ngại các hành động đơn phương như thế của Trung Quốc đang đe dọa trật tự hiện tại của quốc tế”, ông nói.
Mỹ cũng gọi lệnh cấm này của Trung Quốc là hành động đơn phương “khiêu khích và nguy hiểm”.
Tình hình biển Đông trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cũng điều máy bay, tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm, bắn nước vào tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển của Việt Nam.
Theo đánh giá, lệnh cấm của Trung Quốc sẽ khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng hơn bởi nó liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực. Thái độ cứng rắn của Việt Nam và Philippines thời gian qua sẽ tiếp tục gây trở ngại cho Bắc Kinh trong âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ tại đây.
Yên Yên (TH)