Trung Quốc đã ngang ngược bác bỏ công hàm phản đối của Việt Nam đối với những chuyến bay đến đá Chữ Thập và nói rằng không cần phải thông báo cho ai về việc máy bay hạ cánh ở Trường Sa.
Reuters đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 11/1 ngang ngược nói rằng công hàm phản đối của Việt Nam là "vô căn cứ" và Bắc Kinh không cần phải thông báo cho Hà Nội về những chuyến bay này vì đó là "những hoạt động hàng không quốc gia".
"Các chuyến bay đó không bị ràng buộc bởi Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế và các quy định có liên quan của ICAO (Cơ quan hàng không của Liên Hợp Quốc), thay vào đó nó nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia", ông Hồng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: Xinhua |
Ngày 12/01/2016, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước nội dung phát biểu của phía Trung Quố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
"Việt Nam kiên quyết bác bỏ các quan điểm sai trái trong phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/1/2016. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa cũng như đối với quần đảo Hoàng Sa".
Liên quan đến hoạt động bay của Trung Quốc, đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, cơ quan quản lý FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo nào của Trung Quốc về kế hoạch bay như họ nói.
Máy bay dân sự Trung Quốc hạ cánh xuống đá Chữ Thập. Ảnh: News.cn |
Trong hai tuần qua, Trung Quốc đã thực hiện những chuyến bay bất hợp pháp đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Bắc Kinh vừa hoàn tất xây dựng đường băng phi pháp. Philippines và Mỹ cũng lên tiếng phản đối về những chuyến bay mà Trung Quốc thực hiện, được cho là gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.
Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Mọi hoạt động xây dựng của nước khác trên hai quần đảo này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế.
Lê Huyền (tổng hợp)