Phản ứng lại thông tin Washington đang xem xét triển khai tàu chiến trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố "không cho phép" Mỹ hay các nước khác điều tàu vào khu vực này.
Trong cuộc họp báo hôm 9/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang nhiên gọi vùng biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam là "lãnh hải", đồng thời tuyên bố "không cho phép quốc gia khác xâm phạm dưới danh nghĩa tự do hàng hải và bay ngang qua".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: fmprc.gov.cn. |
“Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm vùng nước chủ quyền và không phận Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa (cách Bắc Kinh gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vì lý do bảo vệ tự do hàng hải và hàng không”, bà Hoa lớn tiếng.
“Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan không thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào, và có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố một cách giả dối.
Trước đó, phản ứng trước thông tin hải quân Mỹ sẽ cho tàu tuần tra vùng biển quốc tế xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa (của Việt Nam), bà Hoa cũng lớn tiếng nói rằng "hy vọng Mỹ khách quan và công bằng, có tính xây dựng ở Biển Đông".
Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Cowpens của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP. |
Hôm 8/10, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 8/10 cho biết Washington đang xem xét triển khai tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa. Động thái này có thể diễn ra trong vài ngày tới nhưng đang chờ Tổng thống Barack Obama thông qua.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương nói rõ đây là một lựa chọn đã trình lên Tổng thống Obama và nhấn mạnh Mỹ phải tuần tra tự do hàng hải khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thông tin này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift nhấn mạnh trong một cuộc hội thảo hàng hải tại Australia rằng “một số” nước xem tự do hàng hải là thứ có sẵn để chiếm đoạt, tự áp đặt những giới hạn đe dọa ổn định ở Biển Đông – những lời lẽ này rõ ràng ám chỉ hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông - Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam nhiều lần khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Về phía mình, Washington cũng không dưới một lần tỏ dấu hiệu không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo được bồi lấp phi pháp trên Biển Đông, đồng thời khẳng định lực lượng Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington vào tháng trước, hai bên đã đạt được thỏa thuận nhằm giảm khả năng xảy ra xung đột trên không.
Tuy nhiên, vào đêm trước chuyến thăm của ông Tập, Lầu Năm Góc cho biết một máy bay Trung Quốc đã thực hiện hành vi không an toàn khi chặn đầu một máy bay do thám Mỹ trên biển Hoàng Hải.
Lê Huyền (Reuters)