Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Environment International, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã phát hiện virus corona trong nhà vệ sinh của một căn hộ tại thành phố Quảng Châu.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên bồn rửa, vòi nước và vòi hoa sen trong nhà vệ sinh đã bị bỏ trống lâu năm. Căn nhà này nằm ngay trên căn hộ có 5 người nhiễm Covid-19 trước đó.
Nhân viên y tế làm việc trong một nhà vệ sinh ở Toronto, Canada. Ảnh: Bloomberg
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện “một thí nghiệm mô phỏng dấu vết” nhằm tìm hiểu xem virus corona có di chuyển thông qua đường ống chất thải và việc xả bồn cầu hay không. Sau thí nghiệm, họ tìm thấy nhiều giọt bắn nhiễm virus trong các nhà vệ sinh tầng 10 và tầng 12, nằm ngay trên căn hộ của các bệnh nhân Covid-19.
Trước đó vào năm 2003 khi dịch SARS hoành hành, người ta cũng phát hiện một nguồn lây lan virus SARS thông qua ống nước thải trong một khu căn hộ và lây nhiễm cho 329 cư dân, khiến 42 trường hợp tử vong.
Phát hiện này cho thấy virus corona có thể bay lơ lửng trong không khí, đi qua các đường ống thoát nước để vào nhà vệ sinh. Theo các chuyên gia, cách thức lây nhiễm này từng khiến dịch SARS bùng phát tại Hong Kong vào năm 2003.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland đã công bố kết quả nghiên cứu khác về virus corona trên tạp chí bioRxiv
Nhóm nghiên cứu cho nCoV xâm nhập vào lát cá hồi, thịt gà và thịt lợn mua ở siêu thị tại Singapore. Sau đó, họ lưu các mẫu ở ba nhiệt độ khác nhau (4oC, -20oC, -80oC) và kiểm tra mẫu ở các mốc thời gian (1, 2, 5, 7, 14 và 21 ngày sau khi cấy virus). Kết quả thực phẩm vẫn bị nhiễm virus sau 3 tuần ở cả 3 mức nhiệt độ.
Một phụ nữ mua thực phẩm đông lạnh tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/8. Ảnh: Reuters
Các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland kết luận nCoV có thể tồn tại trong khoảng thời gian và nhiệt độ liên quan đến điều kiện vận chuyển cũng như bảo quản thực phẩm.