Nhân sự việc Trung Quốc vừa cho biết sẽ đưa giàn khoan Hưng Vượng hạ đặt ở Biển Đông, cùng nhìn lại toàn bộ diễn biến vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981, Haiyang Shiyou 981) trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam xảy ra giữa năm 2014.
Đầu tháng 5, truyền thông Trung Quốc đồng loạt loan tin nước này sẽ đưa giàn khoan nước sâu mang tên Hưng Vượng (COSL Prospector) hạ đặt ở Biển Đông. Sau vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, đây là lần thứ hai Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc không công bố tọa độ cụ thể của giàn khoan Hưng Vượng.
Giàn khoan Hưng Vượng của Trung Quốc được truyền thông nước này nói là đang trên đường ra Biển Đông. |
Nhân sự việc Trung Quốc cho biết sẽ đưa giàn khoan Hưng Vượng hạ đặt ở Biển Đông, cùng nhìn lại toàn bộ diễn biến chính vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981, Haiyang Shiyou 981) trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam xảy ra giữa năm 2014.
Trung Quốc bắt đầu hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam
5h22 sáng 1/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 từ đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam. Giàn khoan được hạ đặt sâu trong vùng 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
Hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982; trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
Hải Dương 981 là một trong 10 giàn khoan nổi lớn nhất thế giới, với diện tích tương đương sân bóng tiêu chuẩn, cao bằng tòa nhà 40 tầng, có khả năng khoan, khai thác dầu ở độ sâu 12.000 m, do Trung Quốc xây dựng với giá trị 1 tỷ USD.
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 - Haiyang Shiyou 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vụ việc xảy ra giữa năm 2014. |
Kể từ khi hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc luôn huy động hơn 100 tàu các loại tới khu vực này gồm tàu hải cảnh, tàu vận tải, tàu kéo và tàu cá, cùng các chiến hạm như tàu tên lửa tấn công, tàu săn ngầm và tàu tuần tiễu tấn công nhanh.
Việt Nam đã huy động lực lượng chấp pháp gồm cảnh sát biển và kiểm ngư áp sát Hải Dương 981, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vị trí thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đáp lại, Trung Quốc liên tục gia tăng các loại tàu bảo vệ giàn khoan đồng thời mở rộng vùng cấm hoạt động tại khu vực này từ 3 lên 10 hải lý. Với sự yểm trợ của một số máy bay, các tàu Bắc Kinh hung hãn đe dọa, đâm va, phun vòi rồng, gây hư hỏng nặng cho các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Hành động của Việt Nam, phản ứng của quốc tế và diễn biến trên thực địa
Trước sự xâm phạm trắng trợn, hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam đã rất nhiều lần sử dụng các kênh ngoại giao giao thiệp với Trung Quốc để yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan và lực lượng ra khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam; liên tục tổ chức họp báo quốc tế để thông tin và đưa ra các bằng chứng về hành động của Trung Quốc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội, Thủ tướng đều công khai thể hiện quan điểm nhất quán: kiên quyết phản đối Trung Quốc; tìm mọi biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng; tôn trọng quan hệ Việt- Trung cũng như lợi ích lâu dài của 2 dân tộc.
Tại các diễn đàn quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng vì hòa bình, ổn định khu vực. Người đứng đầu Chính phủ cũng thể hiện quan điểm dứt khoát: “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”.
Hàng nghìn người dân Việt Nam đã tuần hành phản đối Trung Quốc, ủng hộ Chính phủ đấu tranh bảo vệ chủ quyền với quy mô rộng khắp các địa phương. Kiều bào, du học sinh Việt Nam ở nhiều nước cũng xuống đường thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước.
- Ngày 4/5: Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương 981.
Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
- Ngày 6/5: Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc Trung Quốc di dời giàn khoan ở Biển Đông là một bước đi "khiêu khích" và cho biết đang theo dõi sát tình hình. Mỹ là quốc gia đầu tiên và liên tục bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về tình hình Biển Đông ở nhiều cấp.
- Ngày 7/5: Việt Nam lần đầu tổ chức họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Các quan chức đã công bố video cho thấy các tàu của Trung Quốc, với sự yểm trợ của máy bay, hung hăng ngăn cản, dùng vòi rồng tấn công các tàu kiểm ngư của Việt Nam, làm hư hỏng tàu và làm bị thương 6 kiểm ngư viên Việt Nam.
Việt Nam khẳng định Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982, trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
- Ngày 8/5: Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại về an ninh khu vực Biển Đông sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan trong khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. EU thúc giục các bên liên quan tìm kiếm các giải pháp hòa bình, hợp tác phù hợp với luật pháp quốc tế, tiếp tục đảm bảo an toàn và tự do hàng hải.
- Ngày 10/5: Lần đầu tiên sau gần 20 năm, ASEAN ra tuyên bố riêng về Biển Đông. Các ngoại trưởng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những vụ việc do Trung Quốc gây ra có thể đe dọa hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải, kêu gọi các bên không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
- Ngày 11/5: Hành vi xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc đã châm ngòi cho làn sóng phản đối của hàng nghìn người dân Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, rồi lan ra nước ngoài.
Người dân Việt Nam tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông, ủng hộ Chính phủ đấu tranh bảo vệ chủ quyền. |
Tuy nhiên, ở Bình Dương, Hà Tĩnh, một số thành phần quá khích đã lợi dụng tinh thần yêu nước, phản đối Trung Quốc để gây ra các vụ đập phá gây thiệt hại cho một số cơ sở của doanh nghiệp nước ngoài. Chính quyền đã cam kết khắc phục, bồi thường thiệt hại đồng thời khởi tố, xét xử những kẻ gây rối.
Bất chấp việc Trung Quốc lợi dụng sự cố này để đưa người về nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã nỗ lực ổn định sản xuất, cam kết tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.
- Ngày 11/5 và 21/5: Tại các diễn đàn quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á ở Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng vì hòa bình, ổn định khu vực.
- Ngày 22/5: Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện quan điểm dứt khoát: "Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông".
- Ngày 26/5: Tàu Trung Quốc lao thẳng vào một tàu cá của Việt Nam tại ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa, tây nam giàn khoan Hải Dương 981, khiến con tàu bị lật úp rồi chìm. Đây là một sự việc hết sức nghiêm trọng. 10 ngư dân trên tàu bị rơi xuống biển may mắn được các tàu cá Việt Nam gần đó cứu sống.
- Ngày 27/5: Trung Quốc lần đầu di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng đông đông bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý, vẫn nằm sâu trong vùng biển Việt Nam.
- Ngày 28/5: Tổng thống Barack Obama cảnh báo rằng sự gây hấn mang tính khu vực như đã xảy ra ở Biển Đông hay bất kỳ khu vực nào trên thế giới có thể khiến quân đội Mỹ phải vào cuộc.
- Ngày 30/5: Diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La 13 tại Singapore "nóng" nhất trong lịch sử khi giới chức Mỹ chỉ trích gay gắt Trung Quốc "hành động đơn phương, gây bất ổn" để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Nhật cho biết sẽ ủng hộ tối đa cho các nước ở Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo.
- Ngày 31/5: Trả lời cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang cân nhắc phương án đấu tranh pháp lý là khởi kiện Trung Quốc.
Cùng ngày, phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc lần đầu gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành công hàm phản đối các hoạt động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
- Ngày 3/6: Giàn khoan Hải Dương 981 dịch chuyển lần hai đến tọa độ 15 độ 33'26''N; 111 độ 34'11''E. Trung Quốc đồng thời mở rộng tầm truy cản từ 10 lên 18 hải lý đối với các tàu của Việt Nam.
- Ngày 4/6: Nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới G7 bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng hiện tại trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế. G7 "phản đối nỗ lực đơn phương của bất kỳ bên nào muốn sử dụng biện pháp đe dọa, ép buộc hay vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền hoặc hàng hải".
- Ngày 9/6: Trung Quốc gửi thư và tài liệu lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó vu khống Việt Nam xâm phạm chủ quyền và ngăn cản hoạt động của giàn khoan 981.
- Ngày 12/6: Hạ viện Nhật Bản thông qua nghị quyết lên án việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực. Nhật Bản tuyên bố sẽ không tha thứ cho hành động đơn phương nhằm chiếm đoạt lãnh thổ và lợi ích hàng hải thông qua phô diễn vũ lực của Trung Quốc.
Các quốc gia khác như Singapore, Philippines, Indonesia, Anh, Italia... và các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cũng liên tiếp phản ứng trước hành động của Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
- Ngày 14/6: Bắc Kinh lần thứ ba vu cáo tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần. Nước này cũng đưa ra các video và hình ảnh gọi là bằng chứng cho vu cáo này nhưng lại hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra trên thực địa.
Tàu Trung Quốc hung hãn dùng vòi rồng tấn công, đâm các tàu chấp pháp của Việt Nam, gây hư hỏng nhiều tàu, làm bị thương nhiều người. |
- Ngày 18/6: Trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi.
- Ngày 27/6: Cục Kiểm ngư cho biết có 27 tàu kiểm ngư bị các tàu Trung Quốc đâm va gây thiệt hại nặng, 15 kiểm ngư viên bị thương.
- Ngày 4/7: Phái đoàn Việt Nam lần thứ tư đề nghị Liên Hợp Quốc lưu hành văn bản về lập trường đối với việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam đồng thời tận dụng các hội nghị, diễn đàn quốc tế để thông báo rõ tình hình cho quốc tế rõ và yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
- Ngày 11/7: Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hàng hải liên quan, kiềm chế các hoạt động hàng hải trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển, và trả vùng biển Hoàng Sa về nguyên trạng như trước ngày 1/5.
- Ngày 15/7: Trung Quốc bất ngờ điều toàn bộ 30 tàu cá ra khỏi khu vực giàn khoan Hải Dương 981, di chuyển về khu vực đảo Hải Nam. Theo đại diện của Cục Kiểm ngư, động thái này có thể là để tránh cơn bão Rammasun đang tiến gần biển Đông.
- Ngày 16/7: Truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) công bố quyết định di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hoạt động của giàn khoan tại khu vực này đã kết thúc. Giàn khoan 981 sẽ được di chuyển về phía nam đảo Hải Nam.
Như vậy, Trung Quốc đã duy trì việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam trong suốt hơn hai tháng, và đã có nhiều hành động ngang ngược trong thời gian này.
Đáp lại, Việt Nam luôn dùng các biện pháp hòa bình, đúng luật pháp để bảo vệ chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động phi pháp. Những phản ứng và hành động chính nghĩa, chính đáng, mềm mỏng nhưng cương quyết của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các nước trên thế giới.
Quý II hàng năm là thời gian Biển Đông có thời tiết đẹp, sóng gió yên ả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, vào thời gian này, Biển Đông lại thường xuyên “dậy sóng” bởi các hành động ngang ngược, đơn phương của những kẻ luôn có tư tưởng bành trướng.
Bởi vậy, việc Trung Quốc vừa loan tin nước này sẽ đưa giàn khoan nước sâu mang tên Hưng Vượng (COSL Prospector) hạ đặt ở Biển Đông là một động thái hết sức đáng chú ý, cần phải đề phòng và theo dõi sát sao.
Theo truyền thông Trung Quốc, giàn khoan Hưng Vượng còn hiện đại hơn Hải Dương 981. Tân Hoa Xã cho biết, giàn khoan Hưng Vượng do tập đoàn Yên Đài sản xuất, có thiết kế nửa chìm nửa nổi, hệ thống động lực cho phép giàn khoan chịu được gió bão cấp 12, điều mà giàn khoan Hải Dương 981 không thể làm được. Cũng theo Tân Hoa Xã, giàn khoan Hưng Vượng hoạt động được ở vùng nước sâu tối đa 1.500m. Độ sâu tối đa mũi khoan là 7.600m với tối đa 130 nhân viên chịu trách nhiệm vận hành giàn khoan. |
Duy Minh
Giàn khoan bán ngầm nước sâu Hưng Vượng.