Tin mới

Trung Quốc phản kích tòa quốc tế sau phán quyết Biển Đông

Thứ tư, 13/07/2016, 17:06 (GMT+7)

Bắc Kinh cảnh báo về sự leo thang quân sự có thể xảy ra sau khi tòa Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của nước này đối với Biển Đông.

Bắc Kinh cảnh báo về sự leo thang quân sự có thể xảy ra sau khi tòa Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của nước này đối với Biển Đông.

Bắc Kinh tuyên bố Philippines đã bịa ra "hàng loạt lời nói dối" để làm suy yếu lợi ích của họ tại Biển Đông. Ảnh: Getty

Bắc Kinh đã chỉ trích tòa trọng tài quốc tế sau khi bác bỏ những yêu sách lãnh thổ của nước này tại Biển Đông. Hàng loạt tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo sự leo thang quân sự nhằm đáp trả lại cái mà họ gọi là "mưu đồ của Mỹ để ngăn sự trỗi dậy của Trung Quốc".

Một ngày sau khi Tòa trọng tài Quốc tế đưa ra phán quyết chống lại những yêu sách của Trung Quốc đối với cả một vùng rộng lớn tại Biển Đông, Bắc Kinh đã chối bỏ phán quyết, gọi đó là "một mảnh giấy vô tác dụng".

Trong sách trắng dài 13.900 từ, Bắc Kinh tuyên bố Philippines (bên đưa ra vụ kiện) đã "bóp méo sự thật, hiểu sai luật và bịa ra hàng loạt lời nói dối" để làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc.

Phán quyết chống lại Trung Quốc dựa trên "những bằng chứng cực kỳ yếu ớt", Tân Hoa xã dẫn sách trắng.

Một bài bình luận đăng trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - tiếp tục tấn công, nói tòa án là "tay sai của một số thế lực bên ngoài" và điều này sẽ được ghi nhớ "như một trò cười trong lịch sử nhân loại".

"Chúng ta không đòi một tấc đất không thuộc về mình nhưng cũng sẽ không từ bỏ bất cứ thứ gì thuộc về mình. Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ không chấp nhận sự khiêu khích chính trị rõ rành rành như thế này", tờ báo nói thêm.

Tờ China Daily, cơ quan phát ngôn bằng tiếng Anh của Trung Quốc tuyên bố "phán quyết một chiều trắng trợn" có nghĩa là sự đối đầu quân sự trong khu vực ngày càng có thể xảy ra.

"Với hoạt động quân sự ở mức chưa từng có tại Biển Đông, chẳng có gì đảm bảo rằng một cuộc khẩu chiến sẽ không biến thành một cái gì đó nghiêm trọng hơn", tờ báo viết.

Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, được biết đến với những bài viết kích động thậm chí lần này còn nói trực tiếp hơn.

Áp lực chính trị hoặc quân sự từ phía Mỹ gia tăng (Bắc Kinh cáo buộc là kẻ chủ mưu gây vụ kiện cáo chống lại yêu sách của họ tại Biển Đông) sẽ dẫn tới việc người dân Trung Quốc "kiên quyết ủng hộ chính phủ để phát động cuộc tấn công ăn miếng trả miếng", tờ báo nói.

Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết Bắc Kinh có quyền tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông.

"Những gì chúng ta phải làm rõ trước hết là Trung Quốc có quyền làm vậy... Nhưng liệu chúng ta có cần một cái như vậy (ADIZ) tại Biển Đông hay không phụ thuộc vào mức độ đe dọa mà chúng ta phải đối mặt", ông nói. Vị quan chức này cũng cho biết Trung Quốc hy vọng sẽ trở lại đàm phán song phương với Manila.

"Chúng tôi hy vọng rằng các nước khác không dùng cơ hội này để đe dọa Trung Quốc và hy vọng rằng các nước khác có thể làm việc tích cực với Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, không biến Biển Đông thành nguồn gốc chiến tranh", ông Lưu nói.

Bonnie Glaser, một chuyên gia châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Washington nói bà mong đợi phản ứng hung hăng từ Bắc Kinh.

"Theo quan điểm của tôi, đây là một tổn thất thực tế mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt và ông ấy sẽ phải chịu áp lực rất lớn từ trong nước".

"Tôi nghĩ ông Tập sẽ thấy thế giới đang liên kết chống lại Trung Quốc và ông ấy tin rằng Mỹ đã thao túng phán quyết này. Tôi không thấy ông ấy bị ảnh hưởng bởi điều này... Tôi nghĩ trong những tháng cuối cùng của ông Obama, chúng ta sẽ thấy một số hành động quyết đoán, gây mất ổn định của Trung Quốc".

Nick Bisley, một giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH La Trobe, Melbourne, mặc dù Trung Quốc rất thất vọng với phán quyết nhưng ông tin khả năng "đáp trả bằng quân sự" là khó xảy ra.

"Bắc Kinh có thể sẽ có chút ngạc nhiên bởi những gì mà họ mất đi nhưng nếu bạn muốn có được phản ứng thực sự nóng từ Bắc Kinh thì điều đầu tiên bạn có thể thấy chính là một cuộc biểu tình nói "Các người đã xúc phạm tình cảm của người dân Trung Quốc và đó dường như không phải một vụ kiện".

Ông Bisley dự đoán Trung Quốc sẽ không có phản ứng "đặc biệt khiêu khích hay phản động" trừng khi Mỹ gây áp lực khiến các nhà lãnh đạo nước này buộc phải đáp trả để tránh bị người dân trong nước xem thường. "Vấn đề thực sự là chế độ không muốn thấy tình hình hình trong nước tồi tệ".

Phản ứng ban đầu của Washington khá thận trọng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: "Thế giới đang xem các bên tranh chấp sẽ làm gì. Thế giới đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có thực sự là một cường quốc hay không, có xứng với danh xưng này và có thực hiện trách nhiệm của cường quốc hay không".

Ông Bisley nói: "Họ đang cố kiểm soát tình hình... cả Bắc Kinh và Washington đều hiểu rằng cho dù họ có sự khác biệt ý kiến về tranh chấp này thì cũng chẳng ai có lợi khi đẩy căng thẳng lên cao hơn mức cần thiết".

Bill Hayton, tác giả cuốn "Biển Đông: Cuộc chiến giành quyền lực tại châu Á", nói Bắc Kinh có thể sẽ nói những lời không khoan nhượng

"Tôi nghĩ những gì đang diễn ra ở đây là quản lý ý kiến công chúng. Họ bị thua. Họ phải la lên, hét lên, giậm chân".

Phát biểu tại Washington, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã cảnh báo rằng phán quyết của tòa trọng tài "chắc chắn sẽ làm gia tăng xung đột, thậm chí đối đầu".

Nhưng ông Hayton tin rằng những lời này đi ngược lại với thực tế là Bắc Kinh giờ sẽ cố xoa dịu tình hình Biển Đông sau khi rất nhiều yêu sách của họ "hoàn toàn không phù hợp với pháp luật".

"Tôi nghĩ Trung Quốc đang cố tình giả vờ hăm dọa để cố gắng tiến gần hơn tới luật pháp quốc tế. Nhưng họ không thể làm điều này chỉ trong một bước".

Bảo Linh (theguardian)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tòa quốc tế