Cũng như những năm trước, năm nay một số mặt hàng nông sản cũng được các thương lái thu mua trước mùa vụ với mức giá khá cao.
Nụ hoa thanh long
Nụ hoa thanh long thu mua với giá 2.000 - 3.000/kg. Ảnh: VnExpress. |
Trong đầu tháng 5/2015, tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang đã xuất hiện nhiều các điểm thu mua nụ hoa thanh long. Tại các cơ sở này thương lái đầu tư khá mạnh để xây dựng kho lạnh, lò sấy nhằm phục vụ cho việc sơ chế nụ hoa thanh long tại chỗ trước khi xuất sang Trung Quốc. Một ngày như thế các máy làm việc với công suất hàng tấn nụ hoa.
Để phục vụ cho nhu cầu khá lớn như vậy các thương lái đưa ra mức giá mua khá hấp dẫn, giá thu gom nụ hoa thanh long dao động từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Với giá bán nụ hoa như thế này còn cao hơn so với việc bán quả thanh long, nên các hộ nông dân rất hưởng ứng và ồ ạt thu nụ hoa.
Trước tình trạng khó kiểm soát trên coq quan quản lý huyện Chợ Gạo đã có nhưng biện pháp ngăn chặn, như tuyên truyền phổ biến tác hại của việc cắt bỏ nụ hoa non. Sau khi được tuyên truyền phổ biến những hộ nông dân đã nêu cao cảnh giác, bỏ qua sự hám lợi trước mắt để không gây ảnh hưởng đến việc sản xuất và tuổi thọ của cây thanh long. Dần dần vào giữa tháng 6 tình trạng thu hái nụ hoa đã được giảm lại.
Cam non
Giá mua cam non dao động từ 700 - 1.000 đồng/kg. Ảnh: VnExpress. |
Cũng xuất hiện từ tháng 5 năm 2015 này, tại Hậu Giang các thương lái lại bắt đầu thu mua cam non và cam xắt miếng phơi khô để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Giá thu mua dao động từ 700 đến 1.000 đồng/ kg. Rất nhiều hộ dân rầm rộ gom trái để xuất bán. Theo thông tin trên VnExpress, các hộ nông dân chủ yếu bán các trái cam được tỉa nên không ảnh hưởng nhiều tới năng suất vườn cam.
Đến hiện nay chưa có nhiều tác hại gì ảnh hưởng trực tiếp tới hộ nông dân trong việc thương lái thu mua cam non, tuy nhiên không vì thế mà các nhà vườn chủ quan, nên cảnh giác vì việc bán ồ ạt cam non sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và cầu của thị trường. Bên cạnh đó rất có thể nếu sau khi thương lái hạ giá hoặc ngừng thu mua thì người chịu nhiều thiệt hại nhất vẫn là những hộ nông dân, sẽ dễ rơi vào tình trạng thua lỗ.
Trước lo ngại đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã ra công văn nhằm ngăn chặn việc thu mua cam non. Sở đã chỉ đạo các tổ kỹ thuật nông nghiệp của các xã và thị trấn tiến hành rà soát và kiễm tra những thương vụ mua bán cam non trên địa bàn để có những mức xử phạt theo từng cấp độ. Sau những biện pháp quyết liệt của lãnh đạo địa phương việc thu mua cam non đã được ngăn chặn kịp thời.
Cau non
Giá cau non cao gấp 3 lần cau chính vụ. Ảnh: VnExpress. |
Vào thời điểm gần cuối tháng 8, tại các huyện vùng cao Quảng Ngãi là khu vực tập trung trồng nhiều cau nhất, tuy chưa vào mùa thu gom quả cau nhưng đã có rất nhiều thương lái đổ xô về các huyện này để tìm mua và thu gom cau non và xuất sang Trung Quốc.
Mức giá thu mua cau non năm nay cao gấp 3 lần mức giá năm ngoái. Giá bán ra từ 14.000 đến 16.000 đồng/ kg. So sánh lại với mức giá chính vụ có thể thấy được sự chênh lệch khá lớn, trong khi cau chính vụ bán ra cao nhất cũng chỉ được 5.000 đồng/ kg. Chính vì lý do đó nên các thương lái đánh xe về tận các làng vùng cao để thu mua, các hộ nông dân trồng cau cũng ồ ạt hái sạch cau non bán lại cho các thương lái.
Lá cây ăn trái
Lá cây mãng cầu được thu mua nhiều tại các tỉnh miền Tây. Ảnh: VnExpress. |
Tình trạng thu mua lá mãng cầu xiêm với số lượng lớn diễn ra ồ ạt tại các tỉnh miền Tây từ sau dịp Tết Nguyên đán. Với mức giá khá hấp dẫn, lá cây tươi được rao thu mua từ 5.000 đến 15.000 đồng/ một kg. Còn lá khô được mua với giá cao hơn gấp 2-3 lần.
Điển hình những vùng thu gom bán nhiều nhất là ở Hậu Giang, Tiền Giang. Các nông dân thi nhau thu gom lá mãng cầu, thậm chí còn vặt những lá non. Sản phẩm này được các thương lái thu mua và vận chuyển lên TP.HCM để xuất khẩu qua Trung Quốc làm thuốc.
Có những thời điểm giá bán ra lá cây tươi lên tới 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Có những hộ nông dân thu về hơn triệu đồng tiền bán lá.
Theo thông tin trên VnExpress, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã vào cuộc tìm hiểu để kiểm soát và hạn chế tình trạng này diễn ra tràn lan. Sau công bố văn bản việc thu gom lá cây đã giảm đáng kể.
Ông Lê Văn Đời – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng nói rõ hậu quả của việc thu gom lá cây, không những giảm tuổi thọ của cây mà cón giảm mạnh năng suất cho trái. Các nhà vườn không nên vì cái lợi trước mắt mà phá hủy ngọn và lá cây.
Trước những bài học thương lái Trung Quốc thu gom nông sản như khoai lang, dọt khoai mì, râu bắp với giá cao rồi sau đó biến mất khiến nông dân rơi vào tình trạng khó khăn không bán được hàng hóa, các nông dân nên tỉnh táo và tránh để rơi vào trường hơp tương tự, ảnh hưởng xấu đến nông sản Việt Nam.
Hoài An (tổng hợp)