Tin mới

Truy cứu trách nhiệm hình sự chủ tàu Trung Quốc

Thứ năm, 22/05/2014, 10:24 (GMT+7)

Liệu có thể đưa ra xem xét truy tố việc các tàu Trung Quốc đã\nliên tiếp tấn công tàu cá, tàu dân sự, tàu chấp pháp, cảnh sát biển của\nViệt Nam trong thời gian vừa qua theo pháp luật hình sự Việt Nam được\nkhông?

 

Liệu có thể đưa ra xem xét truy tố việc các tàu Trung Quốc đã liên tiếp tấn công tàu cá, tàu dân sự, tàu chấp pháp, cảnh sát biển của Việt Nam trong thời gian vừa qua theo pháp luật hình sự Việt Nam được không?

 

Truy cứu trách nhiệm hình sự chủ tàu Trung Quốc

Đường màu đỏ nối 11 điểm từ đảo Hòn Nhạn đến đảo Cồn Cỏ gọi là đường cơ sở; đường gạch đứt quãng màu xanh kéo dài 12 hải lý kể từ đường cơ sở ra ngoài gọi là biên giới quốc gia trên biển. Nguồn: Thư viện Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Gần đây các tờ the USA Today, the New York Times, the Washington Post đồng loạt đưa tin, Chính phủ Mỹ lần đầu tiên truy tố 5 “tin tặc” hiện vẫn là quân nhân tại ngũ thuộc đơn vị 61398 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đóng ở Thượng Hải với cáo buộc nhóm “tin tặc” này đã tấn công đánh cắp các bí mật thương mại, quyền sở hữu trí tuệ từ 1.753 máy tính của 5 công ty Mỹ trong đó có US Steel, Westinghouse Electric. Đồng thời, ngày 19-5-2014, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) ra quyết định truy nã rộng rãi 5 đương sự này để xét xử theo hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ.  Tương tự cho một vụ việc khác, vào tháng 3-2013 sau hai năm tổ chức điều tra, xét xử, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha ra lệnh truy nã quốc tế 5 cựu quan chức Trung Quốc, trong đó có cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu thủ tướng Lý Bằng, vì cáo buộc những người này phạm tội ác với người Tây Tạng.

Các tàu Trung Quốc đã liên tiếp tấn công tàu cá, tàu dân sự, tàu chấp pháp, cảnh sát biển của Việt Nam, và mới đây là tàu cá QNg 90205TS của ngư dân Nguyễn Tấn Hải (Quảng Ngãi) và đồng ngư bị tàu kiểm ngư của Trung Quốc chủ đích tấn công, đã được báo chí tường tận mô tả: “thân tàu bị đập phá, và toàn bộ máy móc, hải sản, ngư lưới vụ đều bị trấn sạch. Họ đánh đập gây thương tích, tay chân gãy, đầu chảy máu có dấu ba-toong và đế giày”, vào rạng sáng ngày 17-5-2014 ngay trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vấn đề được đặt ra là liệu những hành vi phạm tội  này của một số tổ chức, cá nhân  Trung Quốc liên can có thể bị đem ra xem xét truy tố theo pháp luật hình sự Việt Nam được không?

Luật hình sự và vấn đề bảo vệ chủ quyền trên biển

Theo pháp luật hình sự của Việt Nam thì mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam đều bị áp dụng Bộ luật Hình sự năm1999, sửa đổi 2012a (BLHS) của Việt Nam để xử lý, bất kể là công dân có quốc tịch Việt Nam hay người nước ngoài. Lãnh thổ của một quốc gia bao gồm bề mặt của trái đất, có giới hạn gồm cả đất liền, nước và không gian thuộc sở hữu của quốc gia đó.  Xét góc độ địa lý, chính trị và hành chính, lãnh thổ là một phần đất nằm dưới sự quản lý của cơ quan chính quyền của một quốc gia. Như vậy có thể hiểu là BLHS của Việt Nam được áp dụng trong mọi  trường hợp có hành vi phạm tội được thực hiện trong vùng biển bên trong đường biên giới trên biển của Việt Nam.  Điều 1 của Luật Biên Giới Quốc Gia (2003) của chúng ta cũng khẳng định biên giới của Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước CHXHCN Việt Nam.

Theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển Quốc tế năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982), đường biên giới trên biển của Việt Nam được tính từ đường cơ sở ra ngoài lãnh hải Biển Đông 12 hải lý, bao gồm nội thủy và lãnh hải (hình minh họa).  Điều này có nghĩa là mọi hành vi phạm tội của người nước ngoài nếu được thực hiện trên vùng biển thuộc tuyên bố xác lập chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đều phải bị nghiêm trị theo pháp luật hình sự Việt Nam. Ngoài ra, pháp luật hình sự Việt Nam còn cho phép xử lý người nước ngoài phạm tội ở bên ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam trong một số trường hợp nhất định.

Đến nguyên tắc thẩm quyền phổ quát theo luật quốc tế

Khái niệm nguyên tắc “Quyền Tài phán Phổ quát” (Universal Jurisdiction)  được hiểu là cơ chế pháp lý đặc biệt cho phép tòa án của một quốc gia có thể truy tố, xét xử tội phạm đảm bảo “công lý phổ quát” được thực thi mà không nhất thiết quốc gia đó phải có mối liên hệ với nơi xảy ra tội phạm, quốc tịch của kẻ phạm tội, quốc tịch của nạn nhân hoặc bất cứ mối liên hệ nào với lợi ích của quốc gia đó.
Vụ việc Tòa án Tây Ban Nha ra án lệnh bắt giữ một số cựu quan chức Trung Quốc như được đề cập cũng trên cơ sở hệ thống luật pháp Tây Ban Nha thừa nhận nguyên tắc thẩm quyền phổ quát, trong trường hợp cụ thể của họ, tức được phép khởi tố bất kỳ tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu như có cáo buộc về vi phạm nhân quyền.

Việt Nam chưa có thừa nhận cơ chế pháp lý cho quyền tài phán phổ quát. Tuy nhiên, BLHS của Việt Nam hiện hành có một phần tương tự của nguyên tắc này thông qua quy định người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS  phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Theo Điều 33, Điều 48, Điều 55 và Điều 76 Công ước UNCLOS 1982, các vùng biển bên ngoài đường biên giới trên biển của Việt Nam gồm: vùng biển tiếp giáp lãnh hải, vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) và vùng biển thềm lục địa của Việt Nam (các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia) là những vùng biển tuy không thuộc nội thủy và lãnh hải hoàn toàn của Việt Nam nhưng vẫn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với tư cách là quốc gia ven biển (vùng tiếp giáp lãnh hải không phải là lãnh thổ của quốc gia ven biển cũng không phải là một bộ phận của biển quốc tế). Theo Điều 56 của Công ước 1982, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế. Các quốc gia khác muốn nghiên cứu khoa học (không có quyền khai thác) trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển phải được sự đồng ý và phải tôn trọng luật pháp của quốc gia ven biển đó cũng như những quy định của luật pháp quốc tế. Trên khu vực Biển Đông nơi Trung Quốc tổ chức hạ đặt trái phép dàn khoan HD-981, Việt Nam với tư cách là quốc gia ven biển có quyền thực thi quyền chấp pháp nhằm ngăn chặn và trừng phạt những vi phạm về hải quan, thuế khóa, y tế, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản hay nhập cư trái phép vào lãnh thổ của mình. Đồng thời, cơ quan tài phán của Việt Nam cũng có quyền bắt giữ, phối hợp bắt giữ kẻ phạm tội theo hệ thống tư pháp quốc gia phù hợp với nội dung các Điều ước quốc tế mà Việt Nam  đã ký kết hoặc tham gia.

Quy trình tố tụng hình sự liên quan  

Việt Nam đã chính thức tham gia ký Hiệp định Hợp tác Khu vực về Chống Cướp Biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á (ReCAAP) và điều ước quốc tế này cũng đã có hiệu lực kể từ ngày 4-9-2006.  Như vậy, mọi hành vi của một số người Trung Quốc như tấn công, cố ý gây thương tích, cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của ngư dân Việt Nam, tàu chấp pháp của Việt Nam xảy ra trong vùng biển Việt Nam, đều có thể bị xem là hành vi “cướp biển” theo nghĩa đen của từ này, chống lại ngư dân Việt Nam theo Điều ước Quốc tế. Do vậy, cá nhân, tổ chức phạm tội có thể bị bắt, xử lý theo quy định pháp luật hình sự Việt Nam. Các ngư dân trên các tàu đánh cá, tàu dân sự khác của Việt Nam có quyền làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan chức năng Việt Nam để yêu cầu bắt giữ và xử lý hình sự đối với các chủ tàu vi phạm theo các Điều 104 (Tội cố ý gây thương tích), Điều 133 (Tội cướp tài sản) hoặc Điều 143 (Tội hủy hoại tài sản hoặc cố tình làm hư hỏng tài sản) BLHS được viện dẫn bởi quy định tại khoản 2 Điều 6 BLHS Việt Nam và Điều 2.1 ReCAAP mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Mức hình phạt có thể lên đến 20 năm tù giam hoặc chung thân.

Thực thi Hiệp định Tương trợ Tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc

Theo Điều 25 Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc ký kết vào ngày 19-10-1998, khi Việt Nam có yêu cầu, Trung Quốc có nghĩa vụ chuyển giao cho phía Việt Nam toàn bộ tiền và tài sản do công dân Trung Quốc phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam mà có, hoặc được tìm thấy trên lãnh thổ Trung Quốc. Theo đó, phía Việt Nam có nghĩa vụ cung cấp cho phía Trung Quốc bản sao các bản án hình sự của CHXHCN Việt Nam  liên quan đến các trường hợp công dân Trung Quốc phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 25, 26). Như vậy, sau khi cơ quan chức năng tổ chức truy tố và công khai xét xử, thi hành bản án có hiệu lực pháp lý đối với những kẻ tội phạm thực hiện hành vi cướp bóc, công nhiên đánh đập ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía Việt nam có quyền gửi bản án hình sự đó cho phía Trung Quốc để yêu cầu giao trả toàn bộ tiền và tài sản đang bị chiếm giữ. Động thái pháp lý này cũng góp phần khẳng định nguyên tắc nhất quán của nhà nước ta trong việc thực hiện quyền tài phán chủ động của một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, vùng biển và vùng trời như  xác lập ngay tại Điều 1 của Hiến pháp 2013.

* Luật sư Đoàn Luật sư TPHCM

Theo The Saigon Times

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news