Tin mới

Truyền thuyết thú vị về nhật thực tại các nước trên thế giới

Thứ tư, 11/10/2023, 15:24 (GMT+7)

Thời xa xưa, người ta giải thích hiện tượng nhật thực như thế nào?

Khi chưa có khoa học giải thích, việc Mặt trời bỗng dưng biến mất khỏi bầu trời là một sự kiện nghiêm trọng và đáng kinh ngạc. Trong suốt lịch sử, nhật thực được coi là hiện tượng phá vỡ trật tự tự nhiên, nhiều người xưa cho rằng đây là điềm xấu mang tới tai ương.

Nhiều dân tộc cổ đại và trung đại đã có những cách lý giải tâm linh cho hiện tượng ngẫu nhiên và dường như không thể giải thích được này. Cùng tìm hiểu về truyền thuyết về nhật thực tại các quốc gia các nhau trên thế giới nhé!

Ảnh: Times Now
Ảnh: Times Now

Trung Quốc

Người Trung Quốc thời cổ đại cho rằng nhật thực xảy ra là khi một con thiên long tấn công và nuốt chửng Mặt trời. Truyền thuyết về nhật thực của Trung Quốc là một trong những câu chuyện cổ lâu đời nhất trên thế giới với niên đại lên đến hơn 4.000 năm.

Thời điểm đó, người dân cho rằng "Mặt trời đã bị ăn thịt" và để xua đuổi con thiên long cứu Mặt trời, người ta sẽ đồng loạt đánh trống và gây ra những tiếng động lớn mỗi khi nhật thực xảy ra. Sau những lần như vậy, Mặt trời đều sáng trở lại nên người dân càng có niềm tin và duy trì truyền thống này trong suốt thời gian dài.

Tuy nhiên, người Trung Quốc cổ đại lại không đặc biệt quan tâm tới hiện tượng nguyệt thực, trong một ghi chép từ khoảng năm 90 trước Công nguyên đã coi nguyệt thực chỉ là một "vấn đề chung".

Ấn Độ

Thần thoại Hindu cổ đại có lời giải thích khá sinh động và đáng lo ngại về hiện tượng nhật thực. Theo truyền thuyết, một con quỷ xảo quyệt tên Rahu đã tìm cách uống rượu tiên của các vị thần để đạt được sự bất tử. Nó cố tình cải trang thành phụ nữ, tham dự bữa tiệc của các vị thần và bị Vishnu phát hiện. Để trừng phạt, con quỷ đã bị chặt đầu, chính cái đầu bị chặt của nó đã bay ngang bầu trời và che lấp Mặt trời, khiến nhật thực xảy ra. 

Một số phiên bản trong truyền thuyết kể rằng Rahu thực sự đã uống trộm được một ngụm rượu tiên nhưng đầu nó bị chặt trước khi tác dụng của rượu lan tới cơ thể. Do đó, chiếc đầu của nó vẫn bất từ và luôn đuổi theo Mặt trời, đôi khi bắt được và nuốt chửng Mặt trời. Tuy nhiên, Mặt trời sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại vì Rahu không có cổ họng.

Người Inca

Người Inca ở Nam Mỹ tôn thờ Inti - thần mặt trời toàn năng. Theo truyền thuyết, Inti thường rất nhân từ, nhưng nhật thực là dấu hiệu cho thấy sự phẫn nộ và bất mãn của vị thần này. Sau nhật thực, các nhà tiên tri của bộ tộc sẽ cố gắng tìm ra nguồn gốc cơn giận và xác định hiến tế vật phẩm. Người Inca có thể sẽ hiến tế cả con người nếu hiện tượng nhật thực bị coi là đủ nghiêm trọng. Thông thường, người dân sẽ nhịn ăn, và trưởng bộ tộc sẽ rút lui khỏi chính sự trong lúc nhật thực xảy ra và cả sau khi nó đã kết thúc.

Người Mỹ bản xứ

Theo truyền thuyết Choctaw, một con sóc đen tinh nghịch đã gặm Mặt trời và khiến nhật thực xảy ra. Tương tự như thiên long ở Trung Quốc, con sóc sẽ sợ hãi trước những tiếng ồn ào và la hét của con người.

Một câu chuyện khác của người Ojibwa và Cree ở Mỹ cho rằng một cậu bé (có nơi nói là người lùn) tên Tcikabis đã tìm cách trả thù Mặt trời vì đã đốt cháy cậu. Bất chấp sự phản đối của em gái, cậu đã bẫy Mặt trời và gây ra nhật thực. Các loài động vật đã phải cố gắng cứu Mặt trời khỏi chiếc bẫy, thế nhưng chính con chuột hèn mọn lại lập công khi nhai được sợi dây và khiến Mặt trời quay trở lại.

Tây Phi

Batammaliba là một dân tộc cổ xưa ở miền bắc Togo và Benin. Theo truyền thuyết của họ, sự tức giận và tranh đấu của con người đã lan đến Mặt trời và Mặt trăng, cả hai bắt đầu chiến đấu với nhau và gây ra nhật thực.

Những người mẹ huyền thoại trong truyền thuyết là Puka Puka và Kuiyecoke đã kêu gọi dân làng thể hiện hòa bình với Mặt trời và Mặt trăng, thuyết phục họ ngừng cuộc cãi vã. Trong thời gian nhật thực, người Batammaliba sẽ bỏ qua những mối thù cũ và thiết lập hòa bình nhằm tránh tranh chấp giữa các thiên thể.

Ai Cập

Người Ai Cập tôn thờ mặt trời và vô cùng am hiểu thiên văn học. Thế nhưng khá kỳ lạ, họ không để lại bất cứ ghi chép nào về hiện tượng này. Một số học giả giải thích rằng, người Ai Cập cổ đại cho rằng nhật thực là hiện tượng đáng lo ngại, do đó họ cố tình che giấu và không nhắc tới trong sử sách. 

Một nhà Ai Cập học đã đưa ra loạt tài liệu tham khảo khác nhau về một căn bệnh mù lòa được ẩn dụ rõ ràng phù hợp với những lần nhật thực xảy ra trong lịch sử. Đây có lẽ là những ghi chép mang tính biểu tượng về sự kiện này. Hoặc đơn giản hơn, nhiều người cho rằng có thể tài liệu cổ về nhật thực đã bị thất lạc theo thời gian.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: nhật thực