Vinalines nhập khẩu ụ nổi 83M từ Nga về Việt Nam với giá 9 triệu USD, đến nay Vinalines đang tiến hành bán đấu giá ụ nổi. Dự kiến, ụ nổi sẽ bị rớt giá thê thảm sau một thời gian “xếp xó”.
Theo thông tin từ VnExpress, từ những năm 2008, ụ nổi 83M đã được Vinalines đầu tư thông qua góp vốn vào Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY), ông Dương Chí Dũng ký quyết định nhập khẩu từ Nga với giá 9 triệu USD. Sau khi đưa về nước, ụ nổi được VNLSY quản lý.
Hiện tại ụ nổi 83M neo tại cẩng Gò Dầu B tỉnh Đồng Nai trong tình trạng chưa sửa chữa xong. Đăng kiểm đã rút cấp từ tháng 1/2011, bảo hiểm hết hạn từ 2012, đăng ký tạm thời hết hạn vào tháng 6/2011. Tính từ đó đến cuối năm 2015, công nợ phát sinh của ụ nổi 83M lên tới hơn 50 tỷ đồng.
Ụ nổi 83M có giá mua về 9 triệu USD nhưng hiện tại chỉ có duy nhất một đại gia phế liệu Bắc Ninh đồng ý mua với mức giá dưới 1 tỷ đồng. Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Báo Đất Việt cho hay, Vinalines đã xin phép để bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M với mức giá khởi điểm 34,8 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn chưa có đơn vị nào mua. Trao đổi về vấn đề này, một số đại gia sở hữu công ty có tiếng về buôn bán thu mua sắt vụn tại Bắc Ninh đều không biết và cũng không có ý định thu mua ụ nổi 83M.
Chỉ có ông Lê Hoàng Hiếu – Giám đốc CT TNHH Các Thinh Xanh – chuyên thu mua phế liệu số lượng lớn cho rằng vẫn có thể mua lại ụ nổi này. Tuy nhiên , mức giá gần 35 tỷ đồng là quá đắt. Theo ông Hiếu, hiện tại giá thép khoảng 4.000-4.500 đồng/kg, với trọng lượng ụ nổi 4.000 tấn thì sau khi phá dỡ chỉ có thể thu được từ 2.500-3.000 tấn.
Bên cạnh đó chi phí công nhân phá dỡ ụ nổi là khá đắt, vào khoảng 300.000 đồng/người/ngày, mà mỗi đội lên tới 12 người, làm liên tục trong vòng 4 tháng mới có thể xong. Tính ra riêng tiền phá dỡ đã lên đến vài tỷ đồng.
Đặc biệt, thép tại ụ nổi thường là thép nguyên khối nên giá rẻ hơn, chỉ từ 2.000 đồng/kg. Nếu Vinalines đồng ý bán với mức giá này thì ông Hiếu sẽ mua lại, và mức giá mua chỉ dao động dưới 1 tỷ đồng.
Hoài An (tổng hợp)