Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện tại Nga cũng đã ghi nhận 438 ca Covid-19 trong đó 262 ca ở Moscow. Nước này cũng đã có một trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến Covid-19.
RT mới đây đã dẫn thông báo ngày 23/2 của người đứng đầu cơ quan y tế sinh học liên bang Nga (FMBA) bà Veronika Skvortsova: "Tôi muốn thông báo với các bạn về diễn biến của việc điều chế vắc-xin. Việc phát triển vắc-xin đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên".
Như vậy, sau quá trình triển khai bà Veronika nhấn mạnh rằng mục tiêu của FMBA là vắc-xin có thể đưa ra thị trường vào trước mùa đông năm tới. (FMBA có 2 đội chuyên gia ở Moscow và Saint Petersburg - cùng làm việc đồng thời trong dự án).
Người đứng đầu cơ quan y tế sinh học liên bang Nga (FMBA) Veronika Skvortsova (Ảnh: Tass)
Theo kế hoạch, toàn bộ các giai đoạn thử nghiệm và phát triển có thể hoàn thành vào tháng 6 năm nay và việc chuẩn bị cho vắc-xin có thể được thực hiện vào giữa mùa thu năm nay.
Nếu các quá trình đều diễn ra suôn sẻ, Nga có thể có vắc-xin đưa ra công chúng vào tháng 11 năm nay. Loại vắc-xin này thuộc loại "tái tổ hợp", không sử dụng một virus còn sống, mà sử dụng protein gọi là "epitope".
Khái niệm trên chỉ phần protein trên một kháng nguyên mà các kháng thể có thể nhận ra và liên kết với nó để tạo ra dấu ấn sinh học, giúp hệ miễn dịch nhận biết và kích hoạt việc chống lại virus khi nó xâm nhập vào cơ thể.
Tại Nga, FMBA là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng với trách nhiệm đặc biệt trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật. Và bà Skvortsova từng là bộ trưởng y tế Nga trong suốt 8 năm, trước khi từ chức hồi tháng 1.
Được biết, người đứng đầu cơ quan y tế sinh học liên bang Nga (FMBA) từng là chủ tịch thứ 70 của tổ chức Y tế Thế giới WHO vào năm 2017. Bà đã có nhiều đóng góp cho nền y tế nước nhà cũng như toàn cầu.
Ngoài Nga, Trung Quốc và Mỹ cũng là một trong những nước đi đầu trong việc thử nghiệm lâm sàng trên người vắc-xin chống Covid-19. Trên thế giới, các nhà nghiên cứu và nhà khoa học cũng đang xem xét hàng chục ứng viên vắc-xin khác để tìm ra loại tốt nhất đối phó với dịch bệnh.