Sinh ra trong một gia đình hoàng tộc thời phong kiến Trung Quốc đồng nghĩa với việc được hưởng vinh quang và giàu sang đến hết đời. Tuy nhiên, không phải hoàng tử nào cũng có thể lên ngôi vua hay làm một vị quân vương sống nhàn nhã. Thậm chí, có những hoàng tử bị chính người thân, họ hàng của mình cầm tù vì lo sợ việc đảo chính. Người có số phận bi thảm này chính là Chu Văn Khuê - chắt của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và là con trai thứ hai của Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn
Theo Sohu, Chu Văn Khuê bị giam 55 năm khi mới lên 2 tuổi. Sau khi được thả ra, ngay đến cả trâu bò, ông cũng không thể nhận ra. guyên nhân của sự bất hạnh này có thể bắt nguồn từ sự kiện Nam Kinh nổi tiếng do Minh Thành Tổ Chu Đệ khởi xướng.
Sự việc bắt nguồn từ việc đích trưởng tử, Thái tử Chu Tiêu và Đích trưởng tôn Chu Hùng Anh của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương qua đời vì bệnh tật. Quá đau buồn vì Thái tử mất sớm, Chu Nguyên Chương chọn Đích tôn Chu Doãn Văn làm người kế vị. Sau khi lên ngôi, Chu Doãn Văn quyết định ra tay thanh trừng những người chú của mình - tức các phiên vương. Điều này khiến Yên vương Chu Đệ - con trai thứ tư của Chu Nguyên Chương dấy lên ý định nuôi binh tạo phản khi ba con trai của ông bị giam lỏng trong cung cấm.
Vốn dĩ Chu Đệ không mấy bận tâm đến ngai vàng. Ông chỉ muốn làm một phiên vương. Tuy nhiên, việc Chu Doãn Văn ra tay thanh trừng các phiên vương khác khiến Chu Đệ lo lắng cho sự sống còn của gia đình, đặc biệt khi ba con trai của ông bị giam lỏng trong cung khiến ông không dám động binh. Khi thời cơ chín muồi, Chu Đệ khởi binh làm phản, chống lại cháu trai của mình là Chu Doãn Văn. Cuộc binh biến thành công giúp Chu Đệ lên ngôi và chiếm được Nam Kinh.
Năm 1402, quân Yên vương Chu Đệ tiến vào Nam Kinh, qua cửa Kim Xuyên tiến vào phủ Ứng Thiên nhưng không bắt được Minh Huệ Đế. Có thông tin cho rằng, Minh Huệ Đế đã chết khi tự thiêu trong cung cấm cùng Mã Hoàng hậu. Hai người con trai của ông, một người bị chết cháy cùng với Minh Huệ đế và Mã Hoàng hậu. Người còn lại là Chu Văn Khuê, sống sót sau đám cháy khi mới 2 tuổi. Tuy nhiên, Chu Văn Khuê bị quản thúc ở Phượng Dương.
Sohu cho biết, khi vừa chiếm được kinh thành, điều đầu tiên Chu Đệ nghĩ đến không phải là ngồi lên ngai vàng mà là tìm kiếm dấu vết của Chu Doãn Văn. Dù cử binh lính lục soát khắp các cung điện nhưng ngay cả bóng dáng của Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn cũng không tìm thấy, họ chỉ tìm thấy Chu Văn Khuê - cậu bé mới 2 tuổi, con trai của Doãn Văn và Mã hoàng hậu đang khóc rất to, có thể là đói, có thể là sợ hãi.
Lúc này Chu Đệ phải đối mặt với một vấn đề khó khăn, ông không biết nên nhổ tận gốc rễ và hành quyết tàn nhẫn Chu Văn Khuê hay nuôi dạy cậu trưởng thành. Cuối cùng, tình cảm gia đình đã đánh bại lý trí, ông ôm Chu Văn Khuê vào lòng, dỗ ngủ và nhờ cung nữ chăm sóc chu đáo.
Tuy nhiên, để đề phòng bất trắc, Chu Đệ cho giam lỏng Chu Văn Khuê ở Quản An cung, Phượng Dương.
Sau 55 năm, triều đại nhà Minh đã trải qua nhiều đời hoàng đế từ Chu Đệ Minh Thành Tổ tới Minh Nhân Tông Chu Cao Sí, Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ, Minh Đại Tông Chu Kì Ngọc, Chu Văn Khuê cũng đã 57 tuổi vẫn sống cuộc sống bị giam lỏng ở Phượng Dương, sống tách biệt với thế giới bên ngoài.
Sau khi Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn lấy lại ngôi báu từ em trai Minh Đại Tông bằng Đoạt môn chi biến, ông đã ra lệnh thả Chu Văn Khuê vì đồng cảm với việc bị chính em trai giam lỏng 8 năm do lo sợ ông dấy binh lấy lại ngai vàng. Khi được Minh Anh Tông thả ra, Chu Văn Khuê đã gần sáu mươi tuổi. Vì quá vui mừng, ông đã bật khóc tại chỗ. Vì phần lớn cuộc đời sống trong cảnh giam cầm nên khi được thả, Chu Văn Khuê không nhận ra gia súc hay gia cầm. Thậm chí, khi nhìn thấy một đàn trâu bò, Chu Văn Khuê đã thốt lên hỏi: "Đây là cái gì vậy" khiến nhiều người không khỏi xót thương. Sau khi được thả, Chu Văn Khuê cũng qua đời không lâu sau đó.