Chim hồng hạc là loài chim lội nước chân dài thường được bao phủ bởi bộ lông màu hồng sáng. Với cái tên bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là “màu lửa”, loài chim này được biết đến với vẻ ngoài rực rỡ, kều diễm.
Màu hồng của trên lông hồng hạc là đặc điểm nổi tiếng nhất khiến chúng được nhận diện, thế nhưng đó lại không phải là đặc điểm di truyền. Chim hồng hạc trên thực tế sinh ra có màu xám xỉn. Vậy tại sao những chú chim này lại có màu hồng nếu đó không phải là một phần DNA của chúng?
Màu hồng tươi của hồng hạc đến từ beta-carotene, một sắc tố màu đỏ cam được tìm thấy với số lượng lớn trong tảo, ấu trùng ruồi muối và tôm ngâm nước muối mà hồng hạc ăn trong môi trường đất ngập nước.
Trong hệ thống tiêu hóa, các enzyme phân hủy carotenoid thành các sắc tố được chất béo trong gan hấp thụ và lưu giữ trong lông và da đối với chim hồng hạc. Để thực sự tạo ra màu sắc cho những thuộc tính bên ngoài đó, carotenoid phải được ăn vào với số lượng rất lớn. Bởi vì chế độ ăn của chim hồng hạc hầu như chỉ là những món chứa đầy caroten nên những con chim này không gặp vấn đề gì khi tự "tô màu" cho bản thân. Đổi lại nếu là con người, chúng ta sẽ cần ăn rất rất nhiều cà rốt (một loại thực phẩm giàu carotenoid đến mức nó đã đặt tên cho các sắc tố) để biến làn da của họ thành màu cam.
Có sáu loài hồng hạc khác nhau được tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Bởi vì môi trường sống và nguồn thức ăn thay đổi theo từng nơi và theo mùa nên màu sắc của các loài chim cũng khác nhau. Một số loài hồng hạc có màu hồng đậm hơn hoặc sáng hơn, một số khác có màu cam hoặc đỏ hơn, và một số khác lại có màu trắng tinh khiết.