Tần Thủy Hoàng (259 TCN - 210 TCN), vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã làm tất cả những gì có thể để trở thành bất tử. Ông vô cùng ám ảnh với cuộc sống hiện tại cũng như sau khi chết đi.
Dù mải mê với việc tìm kiếm phương thuốc trường sinh bất tử, Tần Thủy Hoàng cũng bận rộn bỏ công xây dựng lăng mộ của mình.
Khi phát hiện và tiến hành khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ học và sử gia hết sức ngạc nhiên khi quy mô của nơi yên nghỉ này quá rộng lớn, trang bị và thiết kế nhiều thứ sống động như thật.
Theo Tư Mã Thiên, nhà sử học nổi tiếng nhà Hán từng viết rằng khoảng 700.000 người đã được huy động để tham gia xây dựng lăng mộ cho vị hoàng đế này.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phủ kín bởi thảm thực vật và nhìn trông giống một ngọn đồi. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khai quật tới ngọn đồi trung tâm, nơi đặt thi hài của Tần Thủy Hoàng và có thể cũng là nơi chôn giấu kho báu khổng lồ, vì hàm lượng thủy ngân quá lớn.
Chưa ai biết chắc chắn về những kỳ quan trong ngọn đồi rỗng, nơi có phòng chôn cất Tần Thủy Hoàng vì chúng vẫn còn bị phong ấn.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng chứa 'các cung điện đền đài cho một trăm quan lại', cũng như các đồ tạo tác, châu báu quý hiếm. Ảnh minh hoạ
Sau khi phát hiện thấy có hàm lượng thủy ngân cao bất thường trong các mẫu đất (một số chỗ lượng thủy ngân lên tới 1.500ppb), các nhà khoa học, khảo cổ học nhận thấy có phần tương thích với mô tả trong "Sử ký Tư Mã Thiên", đó là việc tồn tại thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là có thật.
2 con sông chủ chốt của Trung Quốc là Trường Giang và Hoàng Hà cũng được mô phỏng trong ngôi mộ bằng cách sử dụng thủy ngân. Dòng sông thủy ngân có thể là vũ khí chống trộm uy lực nhất trong địa cung của lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh minh họa
Thủy ngân có thể phân bố tương ứng với các vị trí đường thủy ở nước Tần. Nói cách khác, lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thể chứa một bản sao của chính nước Tần và chúng được "tô vẽ" bằng thủy ngân.
Nhằm bảo vệ lăng mộ, thợ thủ công của hoàng đế đã tạo ra những cái bẫy có thể bắn tên vào bất cứ ai dám xâm phạm nơi yên nghỉ của ông.
Nhưng việc liệu "Thủy ngân được sử dụng để làm thành hàng trăm con sông lớn nhỏ" hay không thì vẫn còn đang được nghiên cứu.
Xuất phát từ mô tả hấp dẫn sử gia Tư Mã Thiên, nhiều người cho rằng, địa cung chôn cất Tần Thủy Hoàng có thể ẩn chứa mô hình thu nhỏ của các con sông có thật trên mặt đất với sự lung linh của chất kịch độc thủy ngân.
Tuy nhiên, rất khó để kiểm chứng vì quy mô và cấu trúc quá mức phức tạp của lăng mộ và nguy cơ từ những cái bẫy chết người như cung nỏ, chỉ huy ngầm ở nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng có thể vẫn còn hoạt động sau hơn 2.000 năm.
Trong vòng 40 năm qua, các nhà khoa học tìm thấy khoảng 2.000 chiến binh đất nung. Theo ước tính, có tổng cộng từ 6.000 đến 8.000 chiến binh đất nung được chôn cùng với Tần Thủy Hoàng. Đội quân đất nung thực chất chỉ là 'đỉnh của tảng băng chìm', khi phần còn lại của lăng mộ vẫn chưa được đào lên.
Việc xâm nhập vào ngọn đồi chôn cất Tần Thủy Hoàng, nơi có quá nhiều thủy ngân hơn các khu vực xung quanh, trong bối cảnh hiện tại có thể là một nhiệm vụ bất khả thi. Mô tả của sử gia Tư Mã Thiên quá hấp dẫn, nhưng việc đụng độ thủy ngân, chất kịch độc mà con người chỉ cần dính một chút đã nguy hại khôn lường thì quả là vô cùng mạo hiểm.
Theo Yinglan Zhang, một nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây ở Tây An (Trung Quốc), người từng phụ trách khai quật Lăng mộ Tần Thủy Hoàng từ năm 1998-2007, căn phòng chôn cất ở bên dưới ngọn đồi có thể cũng bị sụp đổ từ hàng nghìn năm trước, giống như trường hợp của các hố chôn chứa đội quân đất nung.
Khi đó, thủy ngân sẽ bay hơi vào đất ở khu vực gần đó trong một thời gian dài, nên thông số chi tiết để kết nối với những dòng sông thiết kế bên trong sẽ khó tìm thấy.
Trong triều đại nhà Tần, thủy ngân thường được sử dụng trong giả kim thuật, luyện đan dược, trang trí,... Nguồn khai thác thứ kim loại ở Trung Quốc cổ đại chủ yếu là từ các khoáng vật cinnabar (HgS) có màu đỏ hay còn được gọi là chu sa.
Vào thời cổ đại, tỉnh Thiểm Tây ở Trung Quốc có chứa tới gần 1/5 tổng trữ lượng cinnabar của quốc gia này. Theo đó, một vài khu mỏ cổ xưa ở phía nam của Thiểm Tây có thể là nguồn cung cấp trữ lượng thủy ngân khổng lồ cho lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng.
Dựa theo một số ước tính về sản xuất và tinh luyện thủy ngân, nhà khảo cổ Yinglan Zhang cho rằng căn phòng chôn cất Tần Thủy Hoàng có thể chứa tối đa khoảng 100 tấn kim loại lỏng, tương đương với khoảng 7m3.
Vì độc tính rất mạnh nên thủy ngân có lẽ là một rào cản đối với những kẻ có ý định xâm phạm nơi yên nghỉ của Tần Thủy Hoàng. Mặc dù có thể ban đầu thủy ngân đóng vai trò như một vật trang trí hoặc biểu tượng cho sự bất tử, mà không phải là một chất bảo quản hay thiết bị chống trộm vào thời nhà Tần.
Theo các nhà nghiên cứu, bản thân căn phòng chôn cất Tần Thủy Hoàng trong ngọn đồi "bất khả xâm phạm" đã cách mặt đất khoảng 30-40m.
Thông qua cách đo những dị thường về trọng lực trên mặt đất, tìm kiếm các thay đổi trong điện trở suất của đất do tác động của khối kiến trúc bị chôn vùi bên dưới, các chuyên gia nhận thấy ngọn đồi có thể là một cấu trúc ít dày đặc hoặc rỗng.
Vào năm 2000, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, địa cung chôn cất Tần Thủy Hoàng có một con đập ngầm và hệ thống thoát nước ở các cạnh của ngọn đồi, điều này giúp nơi đây luôn khô ráo. Do đó, các chuyên gia tin rằng địa cung và khối kiến trúc khổng lồ bên trong đó có thể vẫn tương đối nguyên vẹn, không hoàn toàn sụp đổ và cũng không có đầy nước.
Tuy nhiên, khung cảnh tráng lệ trong "ngọn đồi chưa thể chạm tới" của lăng mộ Tần Thủy Hoàng dường như chưa ai có thể nhìn thấy trong tương lai gần. Nhà khảo cổ học Qingbo Duan thuộc Đại học Tây Bắc ở Tây An, người tham gia khai quật lăng mộ từ năm 1998-2008, giải thích: "Hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch để xâm nhập vào ngọn đồi bởi vì không có công nghệ đáng tin cậy và các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ di tích. Nghiên cứu khảo cổ học của chúng tôi đang tập trung vào việc suy luận bố cục cơ bản của lăng mộ.
Bởi vì bất kỳ sự tác động nào vào "ngọn đồi phong ấn" có thể khiến nước hoặc không khí xâm nhập và làm hỏng các thứ nằm bên trong.
Thậm chí, việc sử dụng một con robot hay lỗ khoan để vào bên trong nơi chôn cất cũng bị loại trừ vì ngay sau khi căn phòng được mở ra, sự cân bằng ở bên trong bị phá vỡ khiến những đồ tạo tác và khối kiến trúc ngầm có thể bị hư hỏng một cách nhanh chóng".
Vì vậy, để có thể liếc nhìn bên trong, chúng ta cần phải có khoa học kỹ thuật tốt hơn nhiều so với những gì đang có. Cho đến khi chúng ta có các công nghệ tiên tiến hơn, có lẽ các nhà khảo cổ sẽ không dám liều lĩnh khai quật lăng mộ này trong tương lai gần.