Chắc hẳn bất cứ ai cũng từng ăn mì tôm, phở ăn liền ít nhất một lần. Đây là món ăn “cứu đói” được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tuy nhiên có bao giờ bạn để ý và thắc mắc vì sao sợi phở luôn luôn thẳng, rời rạc trong khi các sợi mì lại xoắn và kết nối thành một mảng với nhau?
Giải thích đầu tiên là để sợi mì dễ dàng nở ra. Phở, bún, miến thường được chế biến từ hạt gạo, thường được phơi khô rồi đưa vào đóng gói. Trong khi đó, mì tôm cần phải qua công đoạn chiên rồi mới đóng gói. Những đường xoắn gấp khúc sẽ giúp mì tôm nhanh hấp thụ nước và dễ trương nở trong quá trình nấu tại nhà, bạn chỉ cần ngâm nước nóng một vài phút là có thể dùng luôn. Những gói mì ăn liền trung bình chỉ cần 3 phút là có thể nở hết. Đây cũng là lý do người ta còn gọi là mì ăn liền.
Bên cạnh đó, việc tạo ra các đường vân xoắn còn giúp chúng ta thuận tiện cho việc gắp . Khi gắp sợi mì thẳng, bạn thường dễ bị tuột mất, đặc biệt nếu gia đình dùng đũa inox thì càng “gian nan”. Tuy nhiên gắp mì tôm lại vô cùng dễ dàng. Với những sản phẩm mì ly, một chiếc nĩa cũng đã có thể quấn mì và nhấc lên dễ dàng.
Cuối cùng là việc tạo các sợi mì xoắn giúp dễ dàng vận chuyển. Sợi mì xoắn sẽ giúp giảm mức độ gãy hay hư hại của sản phẩm. Mì tôm là một trong những thực phẩm cấp thiết được cung cấp cho người dân khi xảy ra thiên tai như lũ lụt, dịch bệnh, nên nó phải thật dễ bảo quản cũng như vận chuyển trong một quãng đường xa.
Sợi mì xoắn còn giúp tiết kiệm diện tích đóng gói, giúp các nhà sản xuất giảm bớt chi phí bao bì. Nếu để ý, bạn có thể thấy bao bì hủ tiếu, bún, phở ăn liền sẽ có kèm theo một khuôn nhựa để giữ sản phẩm khỏi gãy vỡ nhưng mì tôm thì không cần thiết như vậy.