Tin mới

Việt Nam trở thành thành viên AIIB – Lợi ích và thách thức

Thứ tư, 01/07/2015, 16:40 (GMT+7)

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh có cái nhìn khá tích cực trước việc Việt Nam ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh có cái nhìn khá tích cực trước việc Việt Nam ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng

Ngày 29/6 vừa qua, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). PV đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Việt Nam, về tác động của việc này với nền tài chính Việt Nam.

PV: Việc trở thành thành viên hội đồng sáng lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), theo ông, sẽ mang lại những lợi ích nhất định gì về kinh tế cho Việt Nam?

TS Lê Đăng Doanh: Việc Việt Nam gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á theo đánh giá của tôi, là một việc tôt. Bước đi này giúp Việt Nam có một nguồn vốn ổn định, nhất là khi Việt Nam đang chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng trong nước.

Trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ có điều kiện để tham gia các vị trí điều hành, như Giám đốc điều hành, Giám đốc điều hành phụ khuyết. Điều này sẽ giúp Việt Nam thể hiện tiếng nói của mình.

Ngoài ra, việc trở thành một cổ đông sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều quyền ưu đãi, bao gồm quyền tham gia việc hoạch định và xây dựng Chính sách của ngân hàng này ngay từ những ngày đầu và trong suốt quá trình hoạt động.

PV: Có ý kiến cho rằng với việc Trung Quốc chiếm cổ phần chi phối tại AIIB sẽ khiến nước này có thể lèo lái, quản lý ngân hàng này theo đường lối, tiêu chí, mục đích và nguyên tắc riêng của họ? Ông đánh giá sao về điều này?

TS Lê Đăng Doanh: Tuy trong tổ chức Ngân hàng phần lớn từ Giám đốc điều hành đến nhân viên đều là người Trung Quốc, nhưng không chỉ tập trung mỗi nguồn vốn Trung Quốc, mà còn có sự tham gia góp vốn của các nước lớn trong khu vực như Ấn Độ, Úc,... Do đó, sẽ không có sự độc quyền trong quản lý của quốc gia này tại đây.

PV: Vậy theo ông, việc trở thành một cổ đông trong tổ chức AIIB, tổ chức ngang hàng, cạnh tranh với các tổ chức tiền tệ trên Thế giới có giúp Việt Nam đẩy mạnh vị trí của mình trên trường quốc tế được hay không ?

TS Lê Đăng Doanh: Việc đẩy mạnh vị thế trên trường quốc tế còn phải xem xét ở nhiều yếu tố, chứ không chỉ đơn giản là việc mình ngồi với ông lớn này thì mình sẽ có giá trị ngang hàng với họ. Việt Nam không nên ảo tưởng về vị thế của mình.

PV: Ngoài những lợi ích, thì theo ông, Việt Nam cần lường trước những tình huống rủi ro hay có đang đứng trước những thách thức nào hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng khá mạnh về nhiều mặt, là chủ thầu của nhiều dự án trong nước, là nguồn xuất khẩu cũng như nhập khẩu chính của Việt Nam...,  thì nước ta cũng nên xem xét thận trọng khi sử dụng nguồn vốn này để phát triển cơ sở hạ tầng. 

Trong bất cứ sự đầu tư nào cũng có rủi ro, rủi ro về tài chính, rủi ro về mặt pháp lý,... cần tìm hiểu rõ những rủi ro và tìm phương pháp giảm thiểu những rủi ro đó, tránh trường hợp bị phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc.

AIIB cam kết cho vay linh hoạt, dễ dàng và thuận lợi, mở ra nhiều hy vọng mới, nhưng Việt Nam cũng cần tỉnh táo xem xét các cơ chế quản trị của AIIB, cần một cơ chế thực sự minh bạch, không mang màu sắc chính trị để tránh sự phụ thuộc không đáng có.

PV: TS có thể phân tích rõ hơn về những lý do dẫn đến quyết định cùng tham gia một tổ chức ngân hàng với các nước khác của Trung Quốc ?

TS Lê Đăng Doanh: Trung Quốc đang là một nước có nền sản xuất phát triển, hàng hóa dư thừa nhiều như sắt, thép,... Việc thành lập một tổ chức ngân hàng liên kết giữa các quốc gia sẽ giúp nước này mở rộng thị trường tiêu thụ.

Còn việc kêu gọi sự tham gia của các nước phát triển như Ấn Độ, Úc, Đức,... vào AIIB không phải vì TQ tập trung vào việc kêu gọi nguồn vốn mà vì họ muốn có sự hợp tác, có kinh nghiệm của các nước lớn để quản trị một định chế tài chính theo chuẩn quốc tế.

Trung Quốc có nền kinh tế mạnh, quy mô lớn. Việc các nước khác cùng tham gia sẽ có thêm tiếng nói để làm cho Trung Quốc có cách hành xử đúng đắn với các quy định tài chính quốc tế . Hơn nữa có thêm một ngân hàng phát triển như ngân hàng Đầu tư phát triển hạ tầng Châu Á, sẽ tạo nên một sự cạnh tranh với các định chế tài chính cũ như là ngân hàng Thế giới, ngân hàng phát triển Châu Á, và tôi nghĩ là cạnh tranh thì tốt hơn là không có cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc có sự tham gia của nhiều nước trên thế giới, sẽ là một lời khẳng định đến thế giới rằng AIIB hoạt động trên nền tảng đa phương hóa, công khai, minh bạch và không mang mục đích chính trị riêng nào của Trung Quốc.

Điều đó được thể hiện rõ ràng khi Trung Quốc có số cổ phần chiếm nhiều nhất trong các cổ đông nhưng nước này sẽ không nắm quyền phủ quyết trong hệ thống AIIB.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Hoài An

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news